A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk Lắk: Giáo viên tố Hiệu trưởng ăn chặn tiền lương

10:45 | 15/03/2018

Vô tình nhặt được tờ kê khai lương của cán bộ, giáo viên nhà trường do kế toán nhà trường làm rơi, đối chiếu với những đồng lương ký thực nhận,...

...  các cô giáo hợp đồng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) như chết lặng khi bao nhiêu mồ hôi, công sức của mình bị hiệu trưởng và kế toán lập khống, ăn chặn mà không hề hay biết.

Đắk Lắk: Giáo viên tố Hiệu trưởng ăn chặn tiền lương

Phòng Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây luôn trong tình trạng đóng cửa.

5 tháng chỉ nhận 2 triệu tiền lương

Tháng 10/2013, cô giáo Dương Thị Thủy được ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ký hợp đồng lao động) bố trí về giảng dạy môn Toán tại Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn) được hưởng lương bậc 1, hệ số lương 2,10. Trong hợp đồng làm việc lần đầu do Trường THCS Ngô Mây ký với cô Thủy ghi rõ phụ cấp gồm: Lương chính + khu vực+ưu đãi+thu hút, tính ra mỗi tháng cô nhận được gần 6 triệu đồng. 

Từ năm 2013 đến tháng 5/2015 cô Thủy vẫn nhận lương đủ mỗi tháng gần 6 triệu. Sang tháng 6 đến hết tháng 12-2015, cô bị nhà trường cắt khoản thu hút nên số tiền lương nay chỉ còn gần 4 triệu đồng. Từ tháng 1 và tháng 2/2016, cô Thủy chỉ còn được hưởng lương cơ bản. Tháng 3 đến tháng 8 cô nghỉ thai sản, sau khi nghỉ sinh đi làm lại thì cô chỉ được nhà trường trả lương 1,5 triệu đồng với lý do hợp đồng dạy dưới 10 tiết/ tuần. 

Thấy tiền lương ngày càng hao hụt và không biết lý do, cô Thủy và các giáo viên khác lên hỏi hiệu trưởng và kế toán nhà trường thì được trả lời do kinh phí trên không rót về. Mặc dù giáo viên hợp đồng được đích thân chủ tịch huyện ký quyết định tuyển dụng, thế nhưng các hè năm học 2015-2016, 2016-2017, cô Thủy cũng như các giáo viên hợp đồng khác không được nhà trường trả lương mà chỉ đóng cho bảo hiểm xã hội.

Chưa dừng lại ở đó, bước vào năm học 2017-2018, tình hình tiền lương của cô Thủy nói riêng và nhiều giáo viên hợp đồng ngày càng thê thảm. Cụ thể, từ ngày 21/8 đến hết tháng 12/2017 (5 tháng giảng dạy) cô Thủy chỉ được nhà trường trả đúng 1 lần lương với số tiền được nhận là 2.052.000 đồng. 

Thế nhưng, khi phát hiện được bảng lương chi trả do ông Nguyễn Viết Bình kế toán nhà trường và ông Huỳnh Bê, hiệu trưởng nhà trường lập ra gửi lên Kho bạc thì số tiền của cô Thủy được nhà trường chi trả trong 5 tháng từ (tháng 8 đến tháng 12-2017) là 9.676.900 đồng trong đó đã đóng bảo hiểm. Quá bất ngờ trước sự gian lận của nhà trường, sau khi kiểm tra thì các giáo viên khác cũng lâm vào trường hợp tương tự.

Cụ thể, cô Ngô Thị Mỹ dạy 5 tháng nhà trường cũng chỉ trả 2.052.000 đồng trong khi tiền từ kho bạc chuyển về chi trả cho cô phải là  9.676.900 đồng; Cô Nguyễn Thị Liêu chỉ nhận được 2.138.000 đồng, trong khi số tiền kho bạc chuyển chi trả cho cô là 10.782.900 đồng...

Chỉ tính một danh sách 7 cô giáo có tên: gồm Nguyễn Thị Bích Hường, Lê Thị Hoa, Lương Thu Hằng, Dương Thị Thủy, Nguyễn Thị Liêu, Trịnh Thị Thu Trang, Ngô Thị Mỹ (giảng dạy từ tháng 8 đến tháng 12/2017) nhà trường chỉ chi trả lương cho các cô tổng số tiền 17.001.000 đồng trong khi số tiền mà Kho bạc chuyển về trả lương cho các cô là 69.950.000 đồng. Vậy hơn số tiền gần 53 triêu đồng của các cô giáo này ở đâu?  

Theo các cô giáo, điều bất thường ở đây là từ năm 2015 trở đi nhà trường bắt đầu cắt giảm tiền lương của giáo viên và cũng từ đó nhà trường  không chuyển tiền lương qua thẻ ATM như trước mà bắt giáo viên lên ký nhận tại trường. 

Đều do hiệu trưởng quyết

Sau khi so sánh giữa bảng lương của nhà trường và phần chi trả của Kho bạc huyện Krông Pắk có sự chênh lệch số tiền quá lớn, các cô giáo có gọi điện cho ông Bình - kế toán nhà trường thắc mắc. Qua điện thoại, ông Bình cho biết: “Có rất nhiều giáo viên trong trường cũng thắc mắc như các cô, thế nhưng không có ai thấy bảng kê lương của nhà trường ở kho bạc hết. Thực ra, anh là kế toán cũng là lính của ông Bê thôi.” 

Theo các giáo viên, thì ông Bình khẳng định mọi việc đều do ông Huyền Bê - hiệu trưởng nhà trường quyết. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đăng Sơn, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: ông Huỳnh Bê, hiệu trưởng đang nghỉ ốm, còn việc chi lương cho các giáo viên này Ban giám hiệu và Công đoàn ngành đang xác minh.

“Với số lương chênh lệch như các giáo viên thông tin thì sự việc chúng tôi mới biết. Còn cụ thể như thế nào thì chờ Liên đoàn làm việc xong, chúng tôi mới cung cấp được”. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Huỳnh Bê - hiệu trưởng nhà trường, nhưng các số điện thoại đều không bắt máy và không liên lạc. 

Tại Kho bạc huyện Krông Pắk, ông Cao Văn Tư, giám đốc Kho bạc khẳng định, về phía Kho bạc đã làm đúng quy định và chuyển đúng số tiền theo bảng lương được trường gửi lên đúng với ngân sách được UBND huyện phê duyệt. Cụ thể, hàng tháng đơn vị lập danh sách chi lương, Kho bạc rà soát lại với danh sách được huyện duyệt thì chi đúng theo số liệu duyệt, trong đó có cả số biên chế và số hợp đồng. Còn khi chuyển lương, đơn vị gửi danh sách lên đây Kho bạc sẽ chuyển qua ngân hàng đơn vị đăng ký”.

Trước những mập mờ trong việc chi trả tiền lương của các giáo viên hợp đồng, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk sớm vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ vụ việc, không để các giáo viên hợp đồng vừa thiệt thòi về xét tuyển vừa thiệt thòi về kinh tế.   

 Nguyễn Tuấn Anh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ