A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xóa khoảng cách lương một đàng, việc một nẻo

10:53 | 07/05/2018

Thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa khu vực công với khu vực thị trường để thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở khu vực nhà nước

 

Đề án "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp" sẽ được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 7, khai mạc hôm nay, 7-5.

Loay hoay cải cách

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Nhờ đó, tiền lương khu vực công từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương.

Tiền lương khu vực doanh nghiệp (DN) từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Mức lương tối thiểu được luật hóa, hình thành trên cơ sở thương lượng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia với thành phần cân bằng giữa ba bên: Đại diện của NLĐ, doanh nghiệp và nhà nước, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Cải cách tiền lương để phát huy năng lực người lao động Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều chuyên gia lao động nhìn nhận chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp. Thiết kế hệ thống thang, bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức vụ, chức danh. Tiền lương chưa phải là thu nhập chính của cán bộ, công chức; còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tạo động lực để nâng cao hiệu quả làm việc. Chưa có cơ chế tiền thưởng để khuyến khích sáng kiến, sáng tạo, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng, hiệu quả công tác.

Tại khu vực DN, tiền lương của NLĐ chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh; chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Độ bao phủ của mức lương tối thiểu còn hẹp.

Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay chỉ bảo đảm 70% đến 80% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Thực trạng này đòi hỏi chính sách tiền lương phải thực sự căn cơ thì mới mong bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho NLĐ. Mức điều chỉnh tăng từng thời kỳ phải hợp lý và từng bước tiến dần đến mục tiêu giúp NLĐ có tích lũy cho tương lai.

Ngân sách chịu không nổi

Về mục tiêu cải cách tiền lương, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng tiền lương phải là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho NLĐ và gia đình; thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa khu vực công với khu vực thị trường để có thể thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở khu vực nhà nước.

Nhận định về cải cách tiền lương trong khu vực công, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nói thẳng: Phải dẹp bỏ được tư tưởng "đã lên không xuống, đã vào không ra". Ông kỳ vọng vào những đề xuất mới trong đề án, là việc trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Việc làm như thế nào thì trả lương như thế đó, nếu không thì sẽ dẫn đến xóa nhòa vai trò cá nhân, trả lương cào bằng.

Ngoài ra, ông Lê Như Tiến đề xuất chủ trương khoán quỹ lương cho NLĐ theo từng vị trí công việc. Ví dụ, nếu vị trí công việc ấy chỉ cần một người chứ không phải là 3-4 người như hiện nay thì tại sao phải để 3-4 người làm việc? Vậy hãy để người sử dụng lao động có quyền bố trí một người làm việc với mức lương gấp đôi, gấp ba.

Đặc biệt là việc sẽ phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Từ xác định vị trí công việc, người đứng đầu đơn vị tuyển dụng nhân viên rồi được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để chi trả. Thế nhưng, để cải cách được tiền lương, điều quan trọng nhất là phải tinh giản được biên chế, tinh gọn bộ máy. Nếu không thực hiện điều này thì không có ngân sách nào có thể chịu nổi khi bộ máy hành chính cứ phình ra.

"Qua việc cải cách chính sách tiền lương, tinh giản được biên chế, tinh gọn bộ máy, cũng là dịp để rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ai không đáp ứng được yêu cầu thì phải ra khỏi bộ máy" - ông Tiến nhìn nhận. 

Thương lượng tiền lương với doanh nghiệp

Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Triple Việt Nam, giao quyền tự chủ về tiền lương cho DN sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực. Nếu DN chăm lo tốt, chắc chắn NLĐ sẽ được hưởng lợi; ngược lại, NLĐ sẽ bị bóc lột và điều này đòi hỏi sự can thiệp của nhà nước. Vai trò của CĐ cơ sở càng nặng nề khi phải vừa làm tốt công tác giám sát thực hiện vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ.

Ngoài cập nhật kiến thức, Tổng LĐLĐ Việt Nam phải nghiên cứu, bồi dưỡng kỹ năng thương thảo để đội ngũ cán bộ CĐ tự tin hơn khi thương lượng xây dựng chính sách tiền lương với người sử dụng lao động.

VĂN DUẨN - VĨNH TÙNG

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ