A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người trẻ vui chơi, người xem đỏ mặt

09:17 | 10/05/2018

Vừa thấy một nhóm thanh niên dựng sân khấu chuẩn bị cho những trò chơi tập thể ngoài bãi biển, dù chưa biết họ sẽ chơi trò gì nhưng như một phản xạ có điều kiện, nhiều phụ huynh vội vàng đưa con, em mình đi chỗ khác.

 Họ sợ trẻ nhỏ sẽ phải chứng kiến những trò phản cảm mà giới trẻ hiện nay ưa chuộng. 

Dù vấp phải nhiều chỉ trích nhưng trò chơi phản cảm vẫn hấp dẫn giới trẻ tham gia

Trò chơi phản cảm
Đúng như dự cảm của nhiều phụ huynh, khởi động cho chuỗi trò chơi của nhóm thanh niên là màn nhảy đôi với trái bóng kẹp giữa bụng của hai người, các cặp nam - nữ vừa nhảy vừa phải giữ trái bóng ở đúng vị trí mà không được dùng tay.
Tiếp theo là màn các anh nam mút sữa trong bình được treo trước ngực chị em phụ nữ. Rồi trò “ăn trái cấm” với trái cây được cột ở lưng quần ngay vị trí nhạy cảm và đối phương phải ăn trái cây đó nhưng không được dùng tay, hoặc trò “hít đất đôi” mà ở đó nam hít đất còn nữ nằm phía dưới… Cuộc chơi của nhóm này thu hút rất đông người trên bãi biển tới xem, một số cho rằng trò chơi phản cảm, một số lại phấn kích reo hò cổ vũ, quản trò như có thêm động lực, càng tung ra các trò chơi độc, lạ hơn; còn người chơi càng lúc càng hào hứng.
Quá bức xúc khi xem đến trò chơi thứ hai, một du khách lên tiếng: “Đây là nơi công cộng với bao nhiêu lứa tuổi, có cả trẻ em, mấy đứa chơi thì nên chọn trò nào phù hợp. Đừng nghĩ chơi sao cũng được mà đó cũng là cách để thể hiện văn hóa của mỗi người”. Nhiều người đồng thuận trong khi vài bạn trong nhóm thanh niên ấy cho rằng, đừng nghĩ bậy bạ thì nó sẽ không bậy bạ, trò chơi chỉ cần đáp ứng yếu tố vui và không đi quá giới hạn là được.
Mới đây, đoạn clip quay lại cảnh hai cặp nam nữ chơi trò “bơm bóng”  tại sân khấu của một đám cưới được tung lên mạng như giọt nước tràn ly về những trò chơi phản cảm quá trớn mà các bạn trẻ nghĩ ra. Chiếc bơm mini được gắn ở vòng 3 của các cô gái trong tư thế gập người về phía trước, còn các chàng trai ở phía sau, dùng sức để ép vòng 3 của mình vào chiếc bơm sao cho bơm hoạt động làm trái bóng căng nổ, càng nhiều bóng nổ thì sẽ chiến thắng. Trò chơi này vấp phải hàng chục ngàn bình luận chỉ trích, thế nhưng sau đó, nhiều trò chơi với cách thức na ná như vậy vẫn diễn ra ở các cuộc dã ngoại của người trẻ.
“Tuổi trẻ thời @ mà bảo tổ chức mấy trò chơi thuần túy như thanh niên thế hệ 7X, 8X ngày xưa thì sao thu hút được người tham gia. Giờ trò chơi không chỉ độc, lạ mà phải táo bạo mới có sức hấp dẫn, ba cái trò vui vui ấy chỉ là thêm gia vị cho cuộc chơi thôi, ăn nhằm gì”, Trần Huỳnh Tính (một quản trò làm việc tự do tại quận 5), thẳng thắn cho biết.
Vài năm trở lại đây, hàng chục trò chơi với các động tác kém duyên được giới trẻ đua nhau thể hiện trong hầu hết các trò chơi tập thể. Điểm chung là phải giống như làm “chuyện người lớn” thì mới đủ sức hấp dẫn giới trẻ tham gia. Trong khi đó, các trò chơi tập thể đúng với tinh thần giao lưu trong sáng như nhảy sạp, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố, cướp cờ…, ngày càng ít dần. Theo quy luật, cái gì càng được chú ý thì giới trẻ càng hăng tham gia, nhóm chơi sau lại biến tấu trò chơi sao cho táo bạo hơn, thu hút sự chú ý hơn nhóm chơi trước. 
Đừng chỉ vì tiếng cười nhất thời
Hiện nay với công nghệ hiện đại, ai cũng có trong tay điện thoại để có thể chụp hình, quay phim. Do đó, khi những hình ảnh phản cảm chỉ để vui được ghi lại, tung lên mạng rồi lưu giữ ở đó, không ít người đã trở thành nhân vật bị chỉ trích, bị chế thành các trò cười trên mạng suốt thời gian dài. Thậm chí, nhiều nhân vật của các trò chơi luôn sống trong trạng thái hồi hộp bởi không biết lúc nào những sai lầm ấy lại bị thiên hạ “đào” lên để bàn tán.
Như trường hợp của N.H.H (nhân viên một công ty tài chính ở quận 1), một trong những nhân vật bỗng nổi tiếng trên mạng sau clip trò chơi “đập bóng bằng vòng 3” tại chuyến dã ngoại của công ty. Là lứa trẻ nhất công ty, với quan điểm làm hết sức, chơi hết mình, H. và các bạn đồng trang lứa hào hứng với tất cả trò chơi mà quản trò điều hành. H. đâu ngờ những trò ấy gây không ít phiền toái sau này. “Lúc đầu chơi cũng ngại nhưng vì mọi người hào hứng cổ vũ nên chúng tôi không để ý đến các động tác phản cảm. Lúc nhận ra thì muộn rồi, clip cuộc chơi của chúng tôi đã được chia sẻ rầm rộ trên mạng, bị mọi người chỉ trích, ba mẹ la rày, bạn trai giận hờn trách móc. Dù đã qua được một thời gian, thi thoảng vẫn có người xem, chia sẻ clip. Những lúc như vậy tôi lại ước mình bớt ham vui và tỉnh táo, dừng lại khi thấy trò chơi không phù hợp”, H. tâm sự.
Hay như tài khoản Facebook của T.P.T (sinh viên Cao đẳng Tài chính Hải quan, TPHCM) còn bị gạ tình với những lời lẽ bông đùa, khiếm nhã sau khi phát hiện T. là một nhân vật trong clip trò chơi “ăn trái cấm” bị tung lên mạng. Trong nhiều bình luận, một số bạn trẻ coi câu chuyện của H. và T. là bài học để bản thân cân nhắc trước khi tham gia các hoạt động tập thể bị biến tấu.

BẢO HÂN

 

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ