A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chủ động với tương lai của mình

14:46 | 16/05/2018

Việc định hướng nghề nghiệp chưa đúng hoặc học theo nguyện vọng của người thân khiến không ít người hối tiếc

"Ởtuổi này, phần lớn những người đồng trang lứa đã có cuộc sống ổn định. Trong khi đó, tôi lại chuẩn bị đi học để tìm cơ hội mới" - chị Nguyễn Thị Hằng Nga - ngụ quận 2, TP HCM; nhân viên bảo mẫu tại một trường mẫu giáo - chia sẻ.

Giá như...

Nga cho biết sau khi học hết THPT, chị làm bảo mẫu tại một trường tiểu học quốc tế thông qua sự giới thiệu của người quen. "Lúc ấy trường mới mở, công việc chỉ là chăm sóc các bé nên không yêu cầu gì. Thời điểm đó, tôi lại thấy những anh, chị tốt nghiệp đại học, cao đẳng tìm việc khá khó khăn nên cũng không muốn học tiếp" - chị Nga tâm sự.

Lúc đầu, chị Nga được trả 1,2 triệu đồng/tháng. Sau 8 năm gắn bó, mức lương của chị là 6,5 triệu đồng/tháng. Theo chị Nga, công việc cũng khá ổn định, trường bảo đảm chế độ và tăng lương theo đúng quy định. Tuy nhiên, gần 10 năm làm việc, chị vẫn là một nhân viên bảo mẫu và không có bất kỳ cơ hội thăng tiến nào. Do đó, Nga quyết định nghỉ việc để thay đổi môi trường. Chị ứng tuyển vào một trường mầm non công lập để có thể vừa làm vừa học lấy bằng sư phạm, chính thức trở thành cô giáo.

Một trường đại học giới thiệu ngành học tới học sinh

Nếu chị Nga vấp phải sự định hướng chưa phù hợp từ phía gia đình thì anh Lê Thanh Giang (quận Thủ Đức, TP HCM) lại theo học ngành mà người thân đang giữ vị trí khá cao tại một công ty. Anh kể: "Từ nhỏ, tôi đã đam mê máy tính và thích chụp ảnh nhưng bố lại muốn tôi học ngành cấp thoát nước để không phải lo lắng về việc làm. Dù không muốn nhưng thấy người thân buồn phiền nên tôi đồng ý".

Sau khi cầm tấm bằng đại học, anh Giang vào công ty của người thân để làm việc. Tuy nhiên, không ít lần anh bày tỏ cùng gia đình về mong muốn ra ngoài làm để phát triển bản thân nhưng không nhận được sự đồng thuận. Vừa rồi, sau 10 năm làm việc tại công ty, anh đã quyết tâm nghỉ việc và bắt đầu tại môi trường mới.

"Tôi đã giữ vị trí phó phòng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình cần một nơi mới để phát triển sự nghiệp hơn. Không thể vì mong muốn của gia đình mà chôn vùi sự nghiệp ở nơi mà mình không thích" - Giang thổ lộ. Anh đã dự phỏng vấn và trúng tuyển tại một công ty 100% vốn Nhật Bản. Ngoài ra, anh còn mở thêm một quán cà phê với không gian ấn tượng để có thể tự do trải nghiệm sở thích chụp ảnh.

Sớm định hướng nghề nghiệp

Ngày nay, việc định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh được thực hiện tốt để đáp ứng nhu cầu của học sinh với nhiều hình thức như: tư vấn qua website hay tư vấn trực tiếp tại các trường THPT, đại học, cao đẳng, trung cấp… Không chỉ khối THPT, học sinh lớp 9 tại các trường THCS cũng được nhiều quận - huyện, tỉnh - thành quan tâm. Bản thân nhiều học sinh cũng xác định được tầm quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp.

Chia sẻ về nghề nghiệp tương lai, em Quách Thanh Trúc, học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TP HCM), muốn theo học ngành công nghệ thông tin. Trúc cho biết: "Nhà có tiệm internet nên từ nhỏ, em đã tiếp xúc máy tính. Em rất muốn trở thành lập trình viên để viết ra những chương trình thú vị".

Cũng đam mê vi tính nhưng em Nguyễn Thanh Lan Anh, học sinh Trường THCS-THPT Hồng Đức (quận Tân Phú, TP HCM), lại chọn chuyên ngành thiết kế đồ họa. Vốn có năng khiếu vẽ từ nhỏ, đến lớp 10, Lan Anh bắt đầu mày mò sử dụng máy vi tính để thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Hiện tại, Lan Anh có thể sử dụng các phần mềm xử lý ảnh, dựng phim… khá tốt. Không dừng lại ở định hướng ngành học, Lan Anh còn vạch hẳn kế hoạch làm thêm để rèn luyện kỹ năng mềm với các công việc như thiết kế những món đồ làm bằng tay để bán.

Trong khi đó, vấp phải sự phản đối từ gia đình nhưng bằng chính sự đam mê, Hướng Thái Nhật, học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TP HCM), đã thuyết phục được người thân để trở thành hướng dẫn viên du lịch. Nhật bày tỏ: "Ngành này rất cần vốn ngoại ngữ nên từ khi học lớp 11, em đã bắt đầu học thêm tiếng Anh và đạt IELTS 5.5 trong kỳ thi vừa rồi. Em cũng đang học thêm tiếng Nhật". Nhật cho biết khi vào đại học sẽ đi làm thêm những công việc có sử dụng ngoại ngữ để trau dồi kiến thức, kỹ năng giao tiếp và kiếm thêm thu nhập để tự trang trải.

Phụ huynh em ĐỖ PHẠM KIM TUYẾN (quận Phú Nhuận, TP HCM):

Đam mê thì sẽ thành công

Không ít phụ huynh đã hướng cho con em mình phải học tiếp theo truyền thống gia đình hay theo nguyện vọng của họ, không cần biết trẻ có phù hợp hay không. Tôi nghĩ khi chúng ta làm những gì mình đam mê thì chắc chắn sẽ thành công. Do đó, tôi chỉ gợi ý ngành học phù hợp với năng lực, tính cách của con, còn lại thì để cháu chọn.

Bài và ảnh: Thúy Liễu

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ