A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Mới chỉ 'dọn rào cản'

08:51 | 17/05/2018

Những nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của nhà quản lý thời gian qua đã và đang phát huy những hiệu quả đáng kể.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trên thực tế, việc cắt giảm thủ tục hành chính mới chỉ ở mức độ “dọn rào cản” mà chưa có nhiều động thái hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Nhiều DN vẫn gặp rào cản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn vướng

4 tháng đầu năm 2018, tổng số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 52.737 DN. Trong đó có gần 41.300 DN thành lập mới, con số này tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm, hơn 11.400 DN quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.161.000 tỷ đồng. Những con số nói trên cho thấy, môi trường kinh doanh đã có những khởi sắc rõ rệt. Nhất là khi các bộ, ngành cũng đang nỗ lực xóa bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh, giấy phép con thuộc ngành mình quản lý.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới đã được cải thiện đáng kể. Đơn cử chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, xếp hạng về triển vọng của Việt Nam nâng từ mức ổn định lên mức tích cực...

Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, họ vẫn gặp phải những rào cản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có những DN vẫn phải qua nhiều “cửa” mới xin được một chữ ký của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, các rào cản mà hầu hết DN tư nhân gặp phải hiện nay chủ yếu là chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai...

Theo chia sẻ của chủ một DN nhỏ và vừa, phần lớn các DN tư nhân vẫn chưa thể tiếp cận với ưu đãi về đất đai, trong khi khu vực FDI được ưu tiên nhiều hơn. Chính vì không nhận được ưu đãi về đất đai mà các DN tư nhân khó tiếp cận vốn tín dụng. 

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những động thái cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành thời gian qua mới chỉ ở mức “dọn rào cản” chứ chưa đưa ra được nhiều động thái, phương thức hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chúng ta đã có những kết quả tích cực trong môi trường kinh doanh, nhưng chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng DN. 

“Việc cải cách mới chỉ dừng lại ở động thái xóa bỏ các rào cản mà chưa tính đến yếu tố thể chế và những chính sách thực sự nhằm thúc đẩy, tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Các vấn đề nền móng của thị trường và động lực của phát triển kinh tế là cạnh tranh hoàn toàn chưa có một chính sách rõ ràng” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cũng cho rằng, thời gian qua, những nỗ lực của nhà quản lý đã tạo cho môi trường kinh doanh thông thoáng hơn và thực tế mọi người đều nhìn nhận công cuộc cải đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên còn rất xa so với kỳ vọng của cộng đồng DN và người dân.

Sẽ có bộ chỉ số đo mức độ hỗ trợ doanh nghiệp

Được biết, Tổng cục Thống kê mới đây đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển DN. Theo đó, một trong hai phần chính của Đề án là đưa ra bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng các bộ, ngành và các địa phương về mức độ hỗ trợ DN.

Đối với bộ chỉ số này, sẽ lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá mức độ hỗ trợ DN tập trung vào các lĩnh vực: Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển; tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; tiếp cận các nguồn lực (tín dụng, đất đai,…); giảm chi phí cho DN.

Với bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển DN tại các địa phương, Đề án lựa chọn các chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển DN hằng năm của các địa phương như: Số DN đăng ký thành lập mới, thu hút lao động, thu hút vốn đầu tư, doanh thu, giá trị gia tăng, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách nhà nước, đầu tư đổi mới công nghệ, sáng tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…

Theo Tổng Cục thống kê, năm 2018, cơ quan thống kê sẽ thử nghiệm bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ DN đối với các bộ, ngành và các địa phương. Từ năm 2019 trở đi, chính thức công bố bộ chỉ số trên cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ chỉ số được kỳ vọng sẽ lượng hóa chính xác các kết quả hỗ trợ và phát triển DN.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển DN là rất cần thiết nhằm thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành và các địa phương trong chỉ đạo, điều hành hỗ trợ DN không ngừng phát triển và phản ánh sự phát triển của khu vực DN tại các địa phương. 

Minh Phương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ