A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tiết kiệm nghìn tỷ từ khoán xe công

08:46 | 21/05/2018

Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2017. Trong báo cáo thường niên, có điểm mới là có khá nhiều thông tin về khoán xe công.

Khoán xe công đã đem lại tiết kiệm cho ngân sách.

Theo Chính phủ, trong năm 2017, chính sách khoán xe công đã được nhân rộng và được triển khai thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương; bước đầu có kết quả. Điển hình như, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng....

Chính phủ đánh giá, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe công, giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe. Số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính, tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công, tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông.

Thông tin cụ thể hơn từ báo cáo là tại Hà Nội, UBND TP đã quyết định áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại 8 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP; gồm 4 sở là: Tài chính, kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải, lao động, thương binh và xã hội, 2 quận Long Biên, Hà Đông và 2 huyện Gia Lâm và Thanh Trì. Có 52 người thuộc đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 người và khối quận, huyện là 32 người.

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ôtô phục vụ công tác chung, tổng số chi phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 là 2.441 triệu đồng. Tổng số chi phí thực tế sử dụng 44 xe trong 6 tháng cùng kỳ năm 2016 tại các cơ quan, đơn vị là 4.212 triệu đồng.

Như vậy, khi thực hiện khoán xe ô tô phục vụ công tác chung thì chi phí khoán tiết kiệm hơn so với chi phí thực tế sử dụng xe cùng kỳ, tổng số chi phí tiết kiệm được là: 1.771 triệu đồng, trung bình một xe tiết kiệm được 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Ký báo cáo của Chính phủ Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại TP Hồ Chí Minh xây dựng, ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô để áp dụng thí điểm từ tháng 5/2018 đối với 5 đơn vị. Gồm: Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Ban quản lý An toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh và UBND huyện Bình Chánh.

Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác, không áp dụng với việc đưa đón mỗi ngày từ nơi ở đến nơi làm việc. Đối tượng áp dụng Đề án là các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm) đủ tiêu chuẩn sử dụng ô tô công để đưa đón đi công tác. Gồm, chánh và Phó chánh Văn phòng UBND thành phố; giám đốc và phó giám đốc Sở Tài chính, Trưởng Ban An toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh và Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh.

Theo tính toán của TP, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1,2 tỷ đồng/năm (cho 5 đơn vị thực hiện thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu.

Số liệu từ báo cáo cho thấy, năm 2017, số xe ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc với tổng nguyên giá 2.265,17 tỷ đồng. Số xe giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.370 chiếc với tổng nguyên giá 1.139,41 tỷ đồng. Tổng số xe ô tô công hiện có 39.425 chiếc với tổng nguyên giá 25.554,21 tỷ đồng chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước.

Một số cơ quan vẫn ngoài cuộc

Cũng phục vụ cho kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã có báo cáo về thực hành tiết kiệm. Báo cáo cho biết: Thủ tướng chỉ đạo phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các nơi chưa thực hiện đúng quy định về ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, thực hiện chưa nghiêm chế độ báo cáo công tác này.

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, người vừa thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2017 gửi đến Quốc hội, cho biết.

Báo cáo của Chính phủ hoàn thành ngày 15/5, tức là rất mới, thông tin cập nhật hơn bản báo cáo được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 12/4; Vào thời điểm đó có đến 14/34 bộ, ngành, 17/63 địa phương và 13/23 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa có báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp.

Báo cáo chính thức gửi Quốc hội, trong phần đánh giá chung, Chính phủ nêu hạn chế: Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về công tác này. 

Tiêu biểu là việc không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định, không có đánh giá, phân tích, số liệu về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí và kết quả thực hiện các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đề ra trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tài sản công, lao động và thời gian lao động,…

Còn tồn tại, hạn chế trong công tác này tại bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình. Hoặc né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện, không báo cáo về việc biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt ...

Một số bộ đã có báo cáo vào cuối tháng 4, tức sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê bình, như Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo... Khối bộ, ngành thì riêng Toà án Nhân dân Tối cao dù bị nhắc vẫn chưa có báo cáo. Trong các tỉnh, thành phố thì chỉ còn duy nhất TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có báo cáo mới. Khối các tập đoàn, tổng công ty, chưa có báo cáo gồm Tập đoàn Dệt may và các tổng công ty Hàng không, Lương thực, Thuốc lá, Sông Đà. 

  M.Loan

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ