A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Siết chặt" giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội

07:33 | 10/11/2013

Chuyện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã không còn mới lạ. Nguyên nhân của tình trạng này, phần lớn xuất phát từ phía doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó, trong một số trường hợp còn có lỗi từ phía người lao động.

Để giải quyết tình trạng nợ đọng kéo dài này, đã có những hình thức, biện pháp, chế tài áp dụng cho cả hai phía.

Nhức nhối chuyện doanh nghiệp nợ đọng BHXH

Cả hai lần được tuyển dụng vào Công ty TNHH Ô tô Thái Hòa, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (nhà ở huyện M’Drak) đều không được đóng BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT). Lần tuyển dụng đầu tiên vào năm 2006, chị hưởng mức lương khởi điểm 800 nghìn đồng/tháng, sau đó được tăng lên 1.500.000 đồng/tháng và kiêm nhiệm, thực hiện đủ việc từ liên quan đến công tác kế toán đến nhân viên đi làm biển số xe. Đến năm 2008, chị xin nghỉ việc khi Công ty điều chuyển đến nơi khác làm việc. Năm 2009, vì nhu cầu việc làm, chị nộp đơn xin được tuyển lại. Đến năm 2012, chị nghỉ sinh, cũng coi như nghỉ việc luôn và chẳng được hưởng chế độ thai sản do không tham gia BHXH, BHYT. Cũng từng là công nhân của công ty này, anh Dũng ở TP. Buôn Ma Thuột được tuyển dụng vào làm từ tháng 8-2012 cũng với đủ công việc. Làm được hơn một năm thì anh xin nghỉ, trong đó có nguyên nhân Công ty không thực hiện đầy đủ các chế độ với người lao động như đóng BHXH, BHYT. Chị Ngọc Anh, anh Dũng và một số người từng là nhân viên của Công ty TNHH Ô tô Thái Hòa cho biết: Trong quá trình làm việc tại đây, họ đã nhiều lần đề nghị đóng bảo hiểm, lãnh đạo công ty hứa hẹn nhiều lần nhưng không thấy thực hiện.

Nhiều biện pháp đã, đang và sẽ thực hiện để người sử dụng lao động bảo đảm thực hiện quyền lợi cho người lao động, trong đó có việc đóng BHXH.

Nhưng hai trường hợp trên còn biết mà yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các chế độ với người lao động cho mình. Một số trường hợp như anh Sỹ, ở thôn 1B, xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar sau một thời gian làm việc cho một công ty gỗ, đến khi bị tai nạn, cần giải quyết thanh toán mới biết từ trước đến nay công ty không đóng bảo hiểm cho mình. Lại có những trường hợp vì nhu cầu việc làm nên nhiều người lao động dù biết không được bảo đảm chế độ nhưng vẫn chấp nhận. Chính suy nghĩ và tâm lý trên của người lao động đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT; đi kèm với đó là lao động không được bảo đảm những quyền lợi mà lẽ ra theo luật họ phải được hưởng. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến hết tháng 7-2013, số tiền nợ BHXH trên 3 tháng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 49 tỷ đồng, với số lao động chưa được đóng đầy đủ BHXH là 4.300 người. Riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tính đến hết tháng 8-2013, trong số trên 800 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, toàn thành phố có 304 doanh nghiệp nợ đọng BHXH thời gian từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ đọng hơn 17 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Bảo hiểm Xã hội tỉnh còn phát hiện thêm 392 lao động thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa được tham gia BHYT, BHXH và đây là đối tượng thuộc loại khai thác mới. Nhưng theo ông Nguyễn Xuân Khánh, Trưởng phòng Thu - Bảo hiểm Xã hội tỉnh thì với chức năng, quyền hạn của mình, khi phát hiện được những đối tượng thuộc loại khai thác mới, cơ quan bảo hiểm vẫn chủ yếu dừng lại ở việc đi tuyên truyền, vận động còn việc có khai thác thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào nhận thức và ý thức của doanh nghiệp.

Để việc xử lý bớt gian nan

Câu chuyện nợ BHXH của doanh nghiệp đã được đề cập nhiều và khiến cơ quan chức năng vất vả, đau đầu trong việc xử lý. Cùng với các biện pháp tuyên truyền, vận động, phối hợp với tổ thu nợ liên ngành của tỉnh đôn đốc, nhắc nhở để thu hồi nợ, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng đã khởi kiện 19 công ty. Theo hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành văn bản quy định về việc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để đóng số tiền nợ BHXH. UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức ngân hàng, các tổ chức khác làm dịch vụ thanh toán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin về tài khoản tiền gửi khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để áp dụng các biện pháp buộc trích truy nộp vào quỹ BHXH. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 21-CTr/TU, ngày 18-1-2013 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT cho các cấp hội, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân để mọi người nhận rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình; thường xuyên tuyên truyền, vận động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT; tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT cho người lao động. Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với các sở: Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị có liên quan tăng cường tham mưu công tác quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT trên địa bàn; giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ cho các đối tượng thụ hưởng; thường xuyên rà soát, thống kê, thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm; tăng cường nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm.

Để khắc phục những khó khăn trong công tác giải quyết nợ đọng BHXH, mới đây nhất, ngày 22-8-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, có hiệu lực từ tháng 10-2013. Theo nghị định này, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc. Mức phạt tối đa là 75 triệu đồng đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc hoặc đóng không đúng mức quy định. Ngoài ra, nếu đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH cũng bị phạt ở mức tương tự. Trường hợp người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Các vi phạm nêu trên ngoài truy nộp số tiền BHXH bắt buộc chưa đóng, chậm đóng thì người sử dụng lao động còn bị buộc đóng lãi của toàn bộ số tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm.

Đàm Thuần

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ