A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ trong phòng chống thiên tai

15:25 | 25/05/2018

Do nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên Đắk Lắk là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai khác nhau.

Hằng năm thiên tai gây thiệt hại cho các địa phương trong tỉnh nhiều tỷ đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người  dân.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những loại hình thiên tai chủ yếu thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh là hạn hán, lũ, lũ quét, ngập lụt, mưa lớn, sạt lở đất, lốc, sét, mưa đá... Ngoài ra, còn có ảnh hưởng một số thiên tai khác như thời tiết lạnh, gió mạnh, mưa trái mùa… Đặc biệt những năm gần đây cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai ở Đắk Lắk diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại nặng nề. Theo số liệu tổng hợp, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong 12 năm (2005-2017) là trên 14,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do lũ lụt trên 4,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,37%; hạn hán gần 9,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,26%. Chỉ tính riêng đầu mùa mưa năm 2018, mưa lớn kèm theo sấm sét, dông lốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người dân. Đặc biệt là huyện Ea Súp, trong vòng chưa đầy 1 tháng đã xảy ra 3 trận dông lốc lớn làm 1 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại về tài sản, hoa màu lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ hỗ trợ bà con xã Yang Mao (huyện Krông Bông) khắc phục hậu quả của cơn bão số 12 cuối năm 2017.

Trước diễn biến bất ngờ, khốc liệt của thiên tai thì sự ứng phó kịp thời của lực lượng tại chỗ rất cần thiết và quan trọng. Chính vì vậy, các địa phương luôn đề cao phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), trong đó phát huy tốt vai trò của lực lượng tại chỗ. Đơn cử như trong các đợt mưa giông, lốc xoáy ở huyện Ea Súp vừa qua, ngay khi xảy ra thiên tai UBND huyện đã chỉ đạo, huy động lực lượng tại chỗ ứng phó, khắc phục kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng dịch bệnh và thiếu đói. Riêng đối với sự cố thiên tai xảy ra chiều ngày 13-4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã kịp thời phối hợp với địa phương điều động lực lượng gần 400 người gồm bộ đội, dự bị động viên, dân quân tự vệ; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều động 80 cán bộ chiến sĩ tham gia 240 ngày công khắc phục hậu quả, tổ chức thăm hỏi, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng thiên tai. Huyện Đoàn Ea Súp cũng đã huy động đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn, đồng thời kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của các cá nhân, tổ chức cùng chung tay hỗ trợ kinh phí, vật liệu giúp các gia đình khắc phục hậu quả.

Lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ hỗ trợ bà con xã Yang Mao (huyện Krông Bông) khắc phục hậu quả của cơn bão số 12 cuối năm 2017.

Hay ở huyện Ea Kar, trong năm 2017 tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, huyện chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão và nhiều sự cố thiên tai, tổng thiệt hại ước tính là 783,68 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện cùng các ban, ngành đoàn thể của huyện phối hợp với các UBND xã, thị trấn kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo giúp dân khắc phục hậu quả và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Để thực hiện có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2018, huyện Ea Kar đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và 26 tổ, đội kiêm nhiệm tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến các xã, thị trấn với 256 người. Việc chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” cũng như công tác trực ban được thực hiện nghiêm túc.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhất là phát huy vai trò xung kích của lực lượng tại chỗ trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, các cấp ủy và chính quyền địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai tại địa phương; tiếp tục duy trì hoạt động của các đội cứu hộ, tổ chức trực thường xuyên ở các điểm xung yếu trong mùa lũ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cơ quan liên quan trong công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Minh Thuận

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ