A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nâng cao chất lượng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

09:36 | 11/06/2018

Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân, nhiều nông hộ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả,...

...làm giàu cho gia đình mình và trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua ở cơ sở, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả

Năm 2011, thấy nhiều gia đình trồng giống quýt đưa từ Đồng Nai về cho hiệu quả kinh tế cao, anh Trương Quốc Đại (thôn 3, xã Cư Elang, huyện Ea Kar) quyết định chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hơn 700 gốc quýt đường. Bước khởi đầu gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm nên để nâng cao năng suất cây trồng, anh Đại chịu khó học tập kinh nghiệm của các hộ đi trước và tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học do Hội Nông dân tổ chức để áp dụng vào sản xuất. Anh chia sẻ: “Để phòng trừ sâu bệnh, tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà dùng hoàn toàn  các chế phẩm sinh học. Đặc biệt cần chủ động nước tưới cho cây, không phụ thuộc vào nguồn nước mưa, bảo đảm cây đủ nước khi thời tiết nắng nóng kéo dài”. Hiện nay, sau 7 năm chuyển đổi giống cây trồng, vườn quýt đường của gia đình anh Đại vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi vụ, quýt cho sản lượng khoảng 30 tấn. Với mức giá dao động từ 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh thu về khoảng 200 triệu đồng/năm. Hiện anh đang đầu tư mở rộng thêm diện tích quýt đường, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trong những năm tới.

Cán bộ Hội Nông dân xã Cư Elang tham quan mô hình trồng quýt đường của gia đình anh Trương Quốc Đại.

Qua bình xét từ các chi tổ hội nông dân ở thôn, buôn, đến nay toàn tỉnh có 91.200 hộ nông dân đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã hướng dẫn, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, cách thức làm ăn, cây, con giống cho trên 1.600 nông dân nghèo.

Tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, mô hình nuôi bò nhốt thâm canh đang được nhân rộng, trở thành một phong trào phát triển kinh tế mạnh mẽ. Bên cạnh đó, để tạo nguồn thức ăn thường xuyên cho bò, nhiều nông hộ đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ. So với trước đây, diện tích đất trồng cỏ trên địa bàn xã tăng lên khá nhiều. Người dân cũng mạnh dạn, chủ động hơn trong việc mua con giống, đầu tư xây dựng chuồng trại. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bò nuôi sinh trưởng, phát triển nhanh, ít bị bệnh tật… Có thời điểm, đàn bò của xã đã lên đến gần 4.000 con. Là một trong những hộ đầu tiên của thôn 8 xây dựng mô hình nuôi bò nhốt thâm canh, chị Phạm Thị Thao tâm sự: “Thuận lợi lớn nhất ở mô hình chăn nuôi bò thâm canh là được cán bộ Phòng NN-PTNT, Hội Nông dân huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo và quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò. Từ khi chuyển sang nuôi bò, thu nhập của gia đình ổn định hơn trước rất nhiều. Thấy được hiệu quả mang lại, nhiều hộ đang tiếp tục gây giống cỏ, mở rộng diện tích trồng cỏ và đầu tư mua thêm bò giống”.

Lan tỏa phong trào

Để đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hằng năm, Hội Nông dân các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các hoạt động trong phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các biện pháp khắc phục, đồng thời tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất. Riêng năm 2017, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, nhân rộng 321 mô hình và gương điển hình tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương; xây dựng 16 mô hình điểm tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

Chị Phạm Thị Thao (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò nhốt thâm canh

Qua phong trào, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức kinh tế trang trại, gia trại, đứng ra thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác… nhằm liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó đã có những tác động mạnh mẽ đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

Vân Anh

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ