A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hạ tầng giao thông trước áp lực đô thị hóa

09:48 | 16/06/2018

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại TP. Buôn Ma Thuột đã tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, sự phát triển thiếu đồng bộ đã gây áp lực không nhỏ đến hạ tầng giao thông.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, tại TP. Buôn Ma Thuột đã và đang hình thành nhiều khu dân cư mới. Cùng với đó, lượng cư dân khu vực vùng ven và một số địa phương lân cận sống và làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột đang ngày một gia tăng khiến đô thị nơi đây thêm đông đúc. Bên cạnh đó, một số dự án bất động sản đưa vào sử dụng như chung cư Hoàng Anh Gia Lai đã tập trung một lượng cư dân lớn sinh sống ở khu vực trung tâm thành phố. Dân số tăng, nhưng đường phố không “phình” ra được. Mặc dù một số tuyến đường vành đai đã được xây dựng để giảm lưu lượng xe vào nội thị, nhưng nhìn chung, mạng lưới giao thông của TP. Buôn Ma Thuột hầu như không có nhiều thay đổi, một số tuyến đường đã xuống cấp, thậm chí nhiều tuyến đường mới được nâng cấp, mở rộng như đường Phan Chu Trinh, hay mới đưa vào sử dụng cách đây không lâu như đường Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Trường Chinh đã trở nên chật chội trước mật độ xe quá lớn. Điều này dễ nhận thấy nhất vào các giờ cao điểm, những tuyến đường khu vực trung tâm như đường Lê Duẩn, Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh… đã bắt đầu xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ. Nhiều nút giao thông lớn như khu vực vòng xoay Km3, vòng xoay Nguyễn Tất Thành – Phan Bội Châu - Đinh Tiên Hoàng, vòng xoay Trần Hưng Đạo – Lê Thánh Tông – Ngô Quyền, ngã tư Phan Chu trinh – Trần Hưng Đạo… liên tục diễn ra tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài.

Đường phố Buôn Ma Thuột đang ngày một chật hẹp trước mật độ giao thông gia tăng nhanh chóng

Trong thời gian tới, tốc độ đô thị hóa không những sẽ không dừng lại mà còn tăng mạnh hơn nữa. Đặc biệt khi các dự án như Dự án nhà ở xã hội của tỉnh và nhất là Dự án Thành phố cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên… đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng không nhỏ cư dân đến sinh sống và làm việc, khiến hạ tầng giao thông khó có thể đáp ứng được. Bởi chỉ tính riêng Dự án Thành phố cà phê (tọa lạc ngay khu vực trung tâm thành phố) khi được lấp đầy (dự kiến vào năm 2020) sẽ có khoảng 5.000 người sinh sống. Trong một cuộc họp mới đây của UBND tỉnh, vấn đề này đã được Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng đã bày tỏ sự quan ngại trước việc hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển đô thị của thành phố. Đồng thời, ông Vũ Văn Hưng cũng đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư Dự án Thành phố cà phê là Tập đoàn Trung Nguyên phải thực hiện các cam kết phát triển hạ tầng đi kèm với Dự án này. Trước mắt là việc xây dựng tuyến nối đường Y Jút vào khu vực dự án và thông tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu nối vào đường vành đai phía Tây của thành phố để giảm áp lực xe vào đường Phan Chu trinh và các tuyến đường trung tâm khác.

Đây cũng là một trong những giải pháp cần làm ngay để đáp ứng đòi hỏi thực tế, nhưng đồng thời cũng cần hoàn chỉnh những tuyến đường đang dở dang, nối thông những đoạn đang vướng mắc nhiều năm qua chưa thực hiện được. Quan trọng hơn, công tác quy hoạch cũng phải “đi trước” một bước để chuẩn bị quỹ đất cần thiết đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới. Bởi theo Quyết định 286/QĐ-TTg, ngày 9-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông thì đến năm 2020 phải củng cố, khôi phục, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, hoàn chỉnh mạng lưới, xây dựng một số công trình có yêu cầu cấp thiết, bảo đảm mật độ mạng lưới đường trên 1 km/km2; đến năm 2030, mật độ mạng lưới đường trên 1,3 km/km2. Dự kiến đến năm 2030, phấn đấu tổng chiều dài đường đô thị các loại vào khoảng 1.597,3 km; tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, các đô thị loại IV và loại V. 

Giang Nam

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ