A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kiểm soát quyền ưu tiên

14:13 | 20/06/2018

Tại Điều 22, Luật Giao thông đường bộ quy định các loại xe được ưu tiên gồm: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;...

...  xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang. Tất cả các loại xe này chỉ được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ.

Hiện trường vụ xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc bị xe khách đâm trúng    Ảnh: Đặng Chung.

Tất nhiên rồi, xe cứu hỏa, xe cảnh sát, xe cứu thương... phải được quyền ưu tiên để giảm thiểu về thiệt hại tài sản, ngăn ngừa tội phạm, đảm bảo tính mạng của người bệnh...

Trong Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ: Các loại xe trong diện được ưu tiên sẽ có đặc quyền không hạn chế tốc độ, đi vào đường ngược chiều, được các xe khác nhường đường tại các giao cắt, vòng xuyến... với điều kiện phải có tín hiệu còi, đèn ưu tiên để các phương tiện giao thông khác nhận biết.

Song, vấn đề ở chỗ, chưa có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào để lực lượng CSGT, TTGT và người tham gia giao thông nhận biết một chiếc xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ lãnh đạo cấp cao, xe công an, xe quân đội... có thực sự đang làm nhiệm vụ khẩn cấp hay lái xe tự ý bật còi, đèn ưu tiên bừa bãi.

Trên thực tế có nhiều xe cứu thương không chở bệnh nhân, cũng không ít xe cảnh sát không được điều động thực hiện nhiệm vụ vẫn hú còi ầm ĩ, nháy đèn ưu tiên lấp loáng, lao nhanh trên đường hết sức nguy hiểm.

Thôi thì miễn bàn quyền ưu tiên của các loại xe được liệt kê trong Luật Giao thông đường bộ, trong trường hợp những phương tiện đó đang thực thi công vụ để đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, hay hộ đê tránh nguy cơ vỡ đê đe dọa tính mạng tài sản của người dân, hoặc nhanh chóng cứu chữa người bệnh...

Trong những trường hợp như vậy thì đương nhiên là không ai có ý kiến gì. Song, vấn đề ở chỗ nếu như quyền ưu tiên ấy bị lạm dụng thì thực sự gây nguy hiểm cho người và các phương tiện cùng tham gia lưu thông trên đường.

Mới đây, một chiếc xe cứu thương của Nghệ An sau khi bàn giao bệnh nhân cấp cứu ở Hà Nội, trên đường quay về đã lao vào húc đổ cả tường nhà dân.

Chắc nhiều người chưa quên vụ tai nạn giữa xe cứu hộ cứu nạn của Cảnh sát PCCC Hà Nội với xe khách trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hồi cuối tháng 3, khiến nhiều người thương vong.

Trong trường hợp này, xe cứu hộ cứu nạn đang làm nhiệm vụ khẩn cấp cứu người nên được quyền ưu tiên đi ngược chiều trên cao tốc là đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ, nhưng do lái xe bẻ lái gấp, thiếu quan sát nên đã gây tai nạn.

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu không đảm bảo được chính tính mạng của bản thân thì làm sao có thể cứu hộ người bị nạn được?

Tới đầu tháng 4 lại tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) giữa xe cứu thương với xe máy và xe ô tô ngược chiều, khiến 6 người thương vong.

Sau khi gây tai nạn cho một người điều khiển xe máy, chiếc xe cứu thương tiếp tục lao sang bên trái đường húc vào xe khách đi ngược chiều.

Vậy là thay vì đưa bệnh nhân tới bệnh viện để kịp thời cứu chữa thì chiếc xe cấp cứu trên lại khiến cho 6 người nữa vừa chết vừa bị thương.

Vậy là mục tiêu ban đầu để xe cứu thương được ưu tiên không những không đạt được mà còn gây hại cho phương tiện khác.

Nói như vậy không có nghĩa phủ định quyền ưu tiên của các loại xe quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Song, bên cạnh việc đặt ra quyền ưu tiên thì cũng cần có những quy định chặt chẽ để kiểm soát quyền ưu tiên ấy, tránh việc có một số người lạm dụng hoặc lợi dụng.

Chẳng hạn xe cứu thương không được lắp kính đen để mọi người có thể kiểm soát thực sự có bệnh nhân trên xe đang cần cấp cứu hay không.

Hay việc nếu không thực hiện nhiệm vụ thì những chiếc xe công an, quân đội có còi, đèn ưu tiên không được phép tự ý sử dụng tín hiệu ưu tiên trên đường...

Ngoài ra, cũng cần có chế tài nghiêm khắc đối với những lái xe lạm dụng hoặc lợi dụng quyền ưu tiên khi tham gia giao thông.

Trong các trường hợp gây tai nạn giao thông cũng cần làm rõ trách nhiệm của người điều khiển phương tiện được ưu tiên, chứ không thể đồng nghĩa xe ưu tiên với việc lái xe vô can khi gây tai nạn.

Có như vậy mới hy vọng giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc giữa những xe có quyền ưu tiên với các phương tiện khác đang lưu thông trên đường.

Khi và chỉ khi quyền ưu tiên được kiểm soát thì mới đạt được mục tiêu tốt đẹp ban đầu đề ra là nhanh chóng cứu chữa bệnh nhân, cứu hộ kịp thời người bị nạn, truy bắt tội phạm, hộ đê... đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Lê Anh Đức

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ