A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trên 60% tai nạn giao thông trong ngày nghỉ lễ do rượu bia

07:57 | 23/06/2018

Ngày 21-6, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức hội thảo về “Vai trò và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.

 

 

 

Các tình nguyện viên chia sẻ những bài học đắt giá từ việc lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn. Ảnh: Vietnam+

Hội thảo được sự phối hợp của Hiệp hội các Doanh nghiệp rượu Châu Á – Thái Bình Dương (APIWSA) và Công ty Pernod Ricard.

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người vi phạm các nguyên tắc hết sức cơ bản về an toàn giao thông như: đi sai phần đường, làn đường; chuyển hướng thiếu quan sát; uống rượu bia; vượt sai quy định… Trong đó, sử dụng rượu bia khi lái xe là một trong số những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông tại Việt Nam. Cụ thể, sử dụng rượu bia khi lái xe chiếm 36% vào ngày thường, trên 60% vào dịp nghỉ lễ. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh thời gian tới, trong đó có việc phát huy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong công nghiệp đồ uống và là một phần không thể thiếu trong sự thành công của các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Chủ tịch Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD), hiện nay các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với một số thách thức về cơ chế chính sách. Ví dụ, Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia hiện đang qui định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia sẽ phải đóng góp một khoản bắt buộc từ 0,5% đến 1% vào một quỹ nâng cao sức khỏe hay vào ngân sách nhà nước để có ngân sách cho các hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia. Nếu Quốc hội thông qua dự luật với điều khoản này, các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục chủ động thực hiện các chương trình về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do đã chuyển ngân sách cho các hoạt động này vào quỹ sức khỏe hoặc ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, việc áp dụng các khoản đóng góp bắt buộc hoặc thu thêm thuế không phải là giải pháp cho vấn nạn về lạm dụng đồ uống có cồn. Thay vào đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có những giải pháp kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của các loại rượu sản xuất thủ công hiện đang chiếm đến 75% lượng đồ uống có cồn đang tiêu thụ trên thị trường và có mối liên quan trực tiếp đến các vấn đề về sức khỏe và xã hội.

HÀ MY

 

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ