A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đàm phán tăng lương tối thiểu vùng: Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

08:52 | 10/07/2018

Ngày 9/7, tại trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia chính thức vào phiên họp đầu tiên để bàn về tăng lương tối thiểu vùng.

Cuộc họp diễn ra với không khí khá cởi mở, tuy nhiên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong đề xuất tăng lương tối thiểu vùng.

Từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu  Ảnh: Quốc Anh.

Đại diện người lao động đề xuất tăng lương

Trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại phiên họp ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, dựa trên các tính toán chúng tôi đề xuất mức tăng 8% .

“Đây là mức vừa phải so với mức trượt giá CPI 4%. Chưa kể GDP tăng, theo Nghị quyết Quốc hội là trên 7%, như vậy người lao động cũng phải được hưởng năng suất lao động. Tổng Liên đoàn cũng chia sẻ với DN nhưng ít nhất phải tăng 8% và mức tăng này Tổng Liên đoàn đưa ra là có cơ sở. Trung ương đã quyết định là tăng lương tối thiểu đến năm 2020 đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Hiện giờ mức lương đang đáp ứng được 92%, còn 8% nữa thì tăng để đến năm 2020 đáp ứng đủ nhu cầu người lao động” – ông Chính nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chính, đối với người lao động, quan trọng là các mặt hàng gạo, nước, điện… đó là những hàng hóa tăng hàng ngày song những hàng hóa này bao giờ cũng tăng hơn lương.

Mới đây, Thủ tướng đối thoại với công nhân ở Hà Nam, họ cho biết phải dùng điện với mức giá 3.000 đồng một số.

Họ phải chi tiền điện, tiền nước cao, các chi phí khác như nuôi con, học hành, ốm đau. Hơn nữa thời điểm này mới 6 tháng đầu năm mà  trượt giá đã ở mức 4%. Đáng chú ý vừa qua, Chính phủ tăng lương cán bộ công chức là 7%, do đó  mức 8% Tổng Liên đoàn đưa ra  để thương lượng không phải là phi thực tế.

“Nhiều DN cho rằng với mức lương như hiện nay người lao động đã đủ sống, rồi đưa ra dẫn chứng người lao động tiền thuê nhà mất 250.000 đồng/tháng. Tôi đảm bảo với giá ấy không thể thuê được nhà trọ, dù ở vùng nông thôn đấy là chưa kể tiền điện, tiền nước. Mức 8% mà chúng tôi đưa ra là đã rất cân nhắc và dựa trên cả 2 yếu tố quyền lợi của người lao động cũng như lực của DN” – ông Chính nhấn mạnh. 

Giới chủ xin hoãn không tăng lương

Trái ngược với quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động, đại diện giới sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần tạo điều kiện cho DN bồi dưỡng sức kinh doanh, dùng các kinh phí nếu có để phục vụ cho việc đào tạo tay nghề cho người lao động, tăng năng suất lao động.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, đa số đại diện các DN đều xin hoãn không tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 để năm 2020 mới tăng để DN có thời gian “dưỡng sức” phát triển.

Song khi được hỏi về mức đề xuất mà đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra, ông Phòng cho rằng, mức tăng 8% là quá sức chịu đựng với DN, nếu bắt buộc tăng thì chỉ nên tăng ở mức 4 hoặc 5%.

Không đưa ra những con số về mức tăng cụ thể song theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp, theo Nghị quyết 27 vừa ban hành, tinh thần cải cách tiền lương sẽ tiến tới Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của DN, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động. 

“Từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu.

Tiền lương tối thiểu cần hướng tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường lao động và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của DN... để đưa vào thương lượng tiền lương tối thiểu”, ông Diệp cho hay.

Đánh giá về đàm phán tiền lương, chị Nguyễn Thị Hạnh (công nhân KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cho rằng: Năm nào vào tháng 7 chúng tôi đều dõi theo truyền thông theo dõi các phiên đàm phán của Hội đồng Tiền lương quốc gia để chờ con số từ Hội đồng.

Trải qua bao mùa đàm phán và năm 2020 đã gần cận kề nhưng người lao động chúng tôi vẫn không thể sống bằng lương.

Đơn cử như vợ chồng tôi có thâm niên 5 năm đi làm công nhân nhưng mức lương hiện tại cũng chỉ gần 4 triệu đồng.

Tháng nào làm thêm cật lực được thêm hơn 1 triệu đồng, như vậy tổng thu nhập cũng chỉ vào 5 triệu đồng.

Chồng tôi có sức khỏe làm thêm nhiều, tăng ca nhiều hơn thì được nhỉnh hơn nhưng với tổng thu nhập được hơn 10 triệu đồng trả thuê nhà, đóng học cho con… cũng phải tằn tiện lắm mới đủ. 

“Nhưng có phải ai cũng khỏe mạnh để đi làm thêm, tăng ca mãi được. Tháng nào không tăng ca thì tháng đấy cả nhà khóc dở, mếu dở. Năm 2018 trải qua nhiều phiên đàm phán cuối cùng mức lương tối thiểu vùng tăng dao động từ 180.000 đến 230.000 đồng tại 4 vùng so với năm 2017. Mức tăng này theo đánh giá của DN là mức tăng kịch khung nhưng thực tế mức tăng này không đáng kể, người lao động vẫn sống rất chật vật. Không biết đến bao giờ mới có được cơ chế về tiền lương phù hợp để những con số tăng sẽ đáp ứng phần nào cho họ” – chị Hạnh chia sẻ thêm.

Thực tế trải qua 6 lần thương lượng dù mỗi năm, mỗi thời gian các thành viên tham gia đàm phán của Hội đồng Tiền lương quốc gia có khác và thay đổi nhưng tựu chung các phiên đàm phán qua các năm là: Mỗi người một ý, “căng như dây đàn” vì không tìm ra tiếng nói chung. Bất đồng quan điểm là điều dễ hiểu trong mỗi cuộc đàm phán, nhất là khi việc đó ảnh hưởng đến quyền lợi cho gần 10 triệu người lao động và sự phát triển của hàng chục DN.

Song có một điểm chung sau mỗi mùa đàm phán tăng lương đó là người lao động vẫn sống lay lắt bằng lương còn DN vẫn khó bứt phá phát triển được vì năng suất lao động thấp.  

Luẩn quẩn lương và thu nhập

Nguyên nhân dẫn đến vòng luẩn quẩn trên theo các chuyên gia, tiền lương, tiền công là gốc của nhiều vấn đề trong các quy định về lao động. Song nếu tiền lương, tiền công chỉ xác định trong tiền lương tối thiểu theo vùng, ngành thì rất khó có thể giải quyết được bản chất câu chuyện “lương hay thu nhập”.

Thực tế nhiều DN nước ngoài vẫn lợi dụng sơ hở của luật để lợi dụng tiền công giá rẻ để thu lợi nhuận, trong khi đó đời sống NLĐ chưa được đảm bảo.

Bàn về vấn đề này Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận, theo luật hiện hành tiền lương tối thiểu phải bảo đảm “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Tuy nhiên việc xác định nhu cầu sống tối thiểu rất khó định lượng, vì mỗi người một nhu cầu khác nhau, vì vậy mỗi đơn vị khảo sát lại cho kết quả khác nhau. 

Để giải quyết được thực trạng trên Bộ LĐTB&XH cho rằng, cần  sửa đổi quy định hiện hành theo hướng thay vì đáp ứng “nhu cầu sống tối thiểu”, đổi thành “mức sống tối thiểu” và có các tiêu chí rõ ràng để xác định (như mức tiền lương phổ biến trên thị trường, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của người sử dụng lao động, điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động…).

Theo đó tại Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ đề xuất sửa  đổi khái niệm tiền lương tối thiểu; các tiêu chí xác định lương tối thiểu.

Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và NLĐ trong trả lương. Đặc biệt, dự luật sẽ xác định rõ khái niệm về tiền lương, với việc bảo đảm “tiền lương của NLĐ là mọi khoản tiền mà NLĐ nhận được từ việc thực hiện công việc đã được thỏa thuận.

Bày tỏ quan điểm, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội, Bộ LĐTB&XH thì tăng lương tối thiểu đang theo hướng cào bằng. Muốn điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, yếu tố cần phải cân nhắc là năng suất lao động. Tuy nhiên, các báo cáo vừa qua cho thấy, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. 

Cụ thể tỷ lệ năng suất lao động so với lương tối thiểu chiếm đến 50%, trong khi đó, tại các nước chỉ 25 - 30%. Sở dĩ lương tối thiểu tăng cao vì hiện nay hệ thống tiền lương có sự ràng buộc lẫn nhau.

Tưởng là tăng lương tối thiểu chỉ áp dụng đối với người lao động không có chuyên môn kỹ thuật, nhưng thực tế lại cho tất cả mọi người. Những ai hệ số lương cao thì càng có lợi. Do đó, cần cắt đứt sự ràng buộc này, có nghĩa lương tối thiểu chỉ là sàn thấp nhất. 

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân thì tăng lương sẽ tạo việc làm chất lượng hơn. Căn cứ vào Bộ Luật Lao động, tăng lương tối thiểu sẽ chịu ảnh hưởng của những yếu tố như: Nhu cầu sống tối thiểu, tình hình kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế, việc làm, chỉ số GDP, năng suất lao động, sức chịu đựng của DN, chỉ số giá, mặt bằng tiền công trên thị trường… 

Việc tăng lương sẽ là một trong những nhân tố làm tăng thu nhập của người lao động, tạo ra việc làm có chất lượng tốt hơn.

Hơn nữa Nghị quyết số 27-NQ/TW tiếp tục khẳng định, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.

Do vậy việc tăng lương tối thiểu vùng là tất yếu.

Kết thúc phiên thương lượng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2019 là 5,3%. Tuy nhiên, phương án này chưa nhận được sự đồng thuận của cả phía đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động. Do vậy, kết quả cuối cùng sẽ phải chờ vào phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này.

Lan Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ