A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dấu ấn hợp tác toàn diện trong khu vực Tam giác phát triển

10:31 | 23/07/2018

Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh ta với các tỉnh của Vương quốc Campuchia và các tỉnh Nam Lào đã tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hữu nghị, phát triển, kinh tế - xã hội của các bên.

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, sau khi ký kết những bản ghi nhớ hợp tác với các tỉnh Nam Lào và Campuchia, Đắk Lắk đã triển khai các chương trình hành động thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý nhất là hoạt động phối hợp, giúp đỡ các tỉnh bạn Lào và Campuchia khảo sát, quy hoạch và xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu; thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại; ngoại giao văn hóa; an ninh biên giới…

 Đối với hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng, năm 2016 Đắk Lắk đã hỗ trợ 2 tỷ đồng cho quân đội Hoàng gia Campuchia xây dựng nhà khách Tiểu khu quân sự tỉnh Mondulkiri; hỗ trợ 2 tỷ đồng xây dựng công trình nhà làm việc của Công an tỉnh Mondulkiri; hỗ trợ hệ thống điện lưới cho 3 đồn biên phòng Ô Rô, Mê Rúch, Cô Ban Đom Rây cũng của tỉnh Mondulkiri. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã hỗ trợ 400 triệu đồng xây phòng làm việc cho Sở Công tác Phụ nữ tỉnh Mondulkiri. Đối với các tỉnh Nam Lào, Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng 4 trạm y tế, 2 trường học và 3 trạm biến áp... với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ kip Lào (tương đương trên 4,2 tỷ đồng) cho 2 tỉnh Chămpasắk và Salavan.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk và Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sê Kông thống nhất thỏa thuận phối hợp công tác giai đoạn 2018 – 2023. Ảnh: L. Thành

Về hợp tác đầu tư, tuy chưa nhiều nhưng với 4 dự án của Đắk Lắk có tổng vốn đầu tư trên 228 triệu USD đang triển khai ở các tỉnh của Campuchia và Lào bước đầu đã mang lại hiệu quả trong thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương của vùng dự án. Trong đó, tại Nam Lào, có 1 dự án đầu tư tổng vốn trên 83,1 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động, trong đó gần 15% lao động Việt Nam, trên 85% lao động địa phương. Tại Campuchia, hiện có 3 dự án với tổng vốn đầu tư trên 145 triệu USD đang triển khai thực hiện tại tỉnh Mondunkiri, Rattanakiri, giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động địa phương.

Song song với hợp tác phát triển về kinh tế, hoạt động ngoại giao văn hóa, chương trình an sinh xã hội cũng được tỉnh ta đẩy mạnh. Đáng chú ý, trong năm 2017, thông qua Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Chương trình nghệ thuật giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển (nhân kỷ niệm Năm hữu nghị Việt Nam – Lào – Campuchia)… các tỉnh của Campuchia, Lào đều đã cử các đoàn nghệ thuật đến tỉnh ta tham gia biểu diễn, giao lưu văn hóa. Qua đó, thắt chặt tình cảm thiêng liêng giữa 3 nước, tiếp tục giữ vững tình đoàn kết “láng giềng gần gũi” mà nhân dân các tỉnh vùng biên 3 nước cùng nhau đoàn kết, giữ gìn.

Chế biến mủ của Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào.

Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình hợp tác giữa tỉnh ta và các tỉnh bạn trong chương trình hợp tác phát triển còn gặp khá nhiều khó khăn. Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tại Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho rằng, khó khăn lớn nhất chính là giữa Đắk Lắk và các tỉnh bạn vẫn chưa có cửa khẩu. Mặc dù, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm cửa khẩu Đắk Ruê (xã Ea Bung, huyện Ea Súp), nhưng do hạ tầng về giao thông cả hai phía, nhất là phía tỉnh bạn thiếu nguồn lực đầu tư nên việc khai thông cửa khẩu vẫn đang gặp nhiều trở ngại. Chính vì chưa có cửa khẩu nên việc thực thi các chính sách đặc thù theo thỏa thuận của Chính phủ 3 nước (thủ tục lưu trú, quá cảnh biên giới cho người dân và nhà đầu tư; vận chuyển phương tiện vận tải, vật tư máy móc thiết bị tạm nhập, tái xuất và tạm xuất, tái nhập qua biên giới; trao đổi, quá cảnh hàng hóa biên giới…) gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Để các chương trình hợp tác khu vực Tam giác phát triển không ngừng mở rộng, đi vào chiều sâu, tỉnh đã đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ đầu tư Quốc lộ 29 đến cửa khẩu Đắk Ruê, vốn ODA xây dựng đường phía Campuchia, tạo điều kiện sớm lưu thông cửa khẩu. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương gắn với các chính sách ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Trong đó, hỗ trợ 100% vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương đối với các dự án nằm trong chương trình hợp tác, kết nghĩa giữa các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh biên giới Lào, Campuchia…

Lê Hương

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ