A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể

14:47 | 14/08/2018

Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể, giúp chị em phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định.

Nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi gà thả vườn của hội viên phụ nữ trên địa bàn, tháng 12-2017, Hội LHPN xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi gà thả vườn với 7 thành viên là hội viên Hội Phụ nữ xã. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Hội đã phối hợp hướng dẫn thành viên tham gia chương trình chăn nuôi bằng phương pháp sử dụng đệm lót sinh học. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí con giống, 50% chi phí thức ăn.

 

Chị Hoàng Thị Dùng (thôn 5) thành viên HTX cho hay, trước đây, gia đình chăn nuôi bằng phương pháp truyền thống nên gà hay bị bệnh và mùi hôi từ chất thải gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Từ khi tham gia HTX, bước đầu thực hiện mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học với 500 con gà, chị không chỉ tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn mà còn giảm được ô nhiễm môi trường. Sau gần 4 tháng, gà đạt trọng lượng từ 1,5 kg – 1,8 kg/con, giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, cho lợi nhuận cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống từ 30% - 35%. 

Chị Lê Thị Nguyên (thôn 10, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) giới thiệu sản phẩm cà tím Sen Ryo với khách hàng

Tại xã Ea Đrông (thị xã Buôn Hồ), Tổ hợp tác Chăn nuôi heo sạch (THT) do Hội Phụ nữ quản lý có 14 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn. Đây là mô hình điểm do Hội LHPN thị xã chỉ đạo thành lập với nguồn vốn hỗ trợ 200 triệu đồng từ Hội LHPN tỉnh nhằm giúp chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Để đảm bảo sản phẩm thịt heo của các thành viên trong tổ tiêu thụ ổn định trên thị trường, các thành viên cam kết thực hiện quy trình chăn nuôi heo an toàn, không có dư lượng thuốc kháng sinh trong con heo và sản phẩm thịt heo đến tay người tiêu dùng.

 

Chị H’Yui Niê, Tổ trưởng THT cho biết, tham gia THT các thành viên trong tổ được tham gia các lớp tập huấn, được tư vấn về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh, giúp cho vật nuôi lớn nhanh. Đặc biệt tham gia THT còn tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. 

 

Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan mô hình chăn nuôi heo sạch tại xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ.

Bén duyên với cây cà tím từ năm 2016 trong một lần tham quan nhà vườn trồng cà tím ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), chị Lê Thị Nguyên và chị Hà Thị Oanh (thôn 10, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) đã quyết định tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà tím Sen Ryo thông qua sự hỗ trợ từ Công ty Thủy sản Bạc Liêu. Tháng 10-2017, cà tím Sen Ryo trồng theo công nghệ Nhật Bản chính thức được chị Nguyên và chị Oanh trồng thử nghiệm tại gia đình với tổng diện tích 1,2 ha. Sau gần 2 tháng đầu tư chăm sóc, vườn cà của 2 gia đình cho thu hoạch kéo dài gần 5 tháng với tổng tiền lãi 240 triệu đồng.

 

Theo chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hằng năm hai bên phối hợp vận động và hỗ trợ thành lập mới từ 3-5 HTX, THT do phụ nữ quản lý và điều hành gắn với chuỗi giá trị sản phẩm phát triển bền vững, có sức lan tỏa; phấn đấu đến năm 2021 có 100% các Hội cấp huyện, thị xã, thành phố đều thành lập được các HTX do phụ nữ quản lý…

Thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 2-2018, hai chị đã  thành lập mô hình cà tím Nhật Bản Sen Ryo gồm 7 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn có nhu cầu chuyển đổi diện tích đất vườn sang trồng cà tím. Trong quá trình làm, Công ty Thủy sản Bạc Liêu cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ khâu chăm sóc đến thu hoạch và bao tiêu sản phẩm bảo đảm giá ổn định từ 6,5 - 8,8 nghìn đồng/kg. Hiện nay, các thành viên của mô hình đã chuyển đổi hơn 4 ha đất trồng gối vụ cà tím Sen Ryo cho thu nhập quanh năm. 

Có thể thấy, việc triển khai các mô hình kinh tế tập thể của phụ nữ mới đang ở bước đầu nhưng đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp. Để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế bền vững, các cấp Hội thường xuyên phối hợp tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên phụ nữ về mô hình kinh tế tập thể; hỗ trợ thủ tục pháp lý thành lập các HTX, THT. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Hội đã vận động 78.743 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, bếp ăn bán trú tiêu thụ sản phẩm của 86 mô hình, hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt của phụ nữ. 

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh triển khai lồng ghép một số dự án hỗ trợ thành lập thêm mô hình HTX và các THT do phụ nữ quản lý trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế tập thể.

Vân Anh

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ