A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo viên mất việc cơ cực mưu sinh

07:35 | 15/08/2018

Dù chưa nhận được thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng lao động nhưng các giáo viên mất việc ở Đăk Lăk đã tỏa ra nhiều tỉnh, thành tìm kế sinh nhai

Ngày 14-8, ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk - cho biết huyện đã phê duyệt đề án giải quyết các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên dôi dư. Theo ông Y Suôn Byă, đề án này đã được các cơ quan của tỉnh thẩm định và huyện đang thực hiện.

Làm thuê kiếm sống

Không như những lần trước, lần này chúng tôi về huyện Krông Pắk không gặp được nhiều giáo viên trong diện hợp đồng tại đây vì phần lớn họ đã rời quê xuống các thành phố lớn làm thuê kiếm sống.

Trao đổi qua điện thoại, thầy Dư Xuân Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Vụ Bổn), cho biết được ký hợp đồng dạy môn tin học vào năm 2010. Đầu năm 2017, thầy Sơn dạy 3 tháng nhưng không được trả lương nên về nhà làm công việc khác kiếm sống và chờ đợi được giải quyết. Sau khi huyện thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới, thầy Sơn xuống TP HCM phụ hồ. "Mỗi ngày tôi được trả 220.000 đồng, bao cơm trưa. Tôi cố gắng làm một thời gian kiếm chút vốn về quê làm nghề gì đó kiếm sống chứ giờ đã nhiều tuổi" - thầy Sơn nói.

Khi chúng tôi tới, thầy Nguyễn Ánh Dương, giáo viên hợp đồng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, đang cặm cụi hàn xì ngoài sân. Thầy Dương cho biết năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn, thầy xin về dạy tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Đến năm 2012, khi nghe huyện Krông Pắk đang tuyển nhiều giáo viên nên thầy xin về dạy để được gần nhà. Nhưng đến tháng 1-2017, nhà trường thông báo cho nghỉ dạy vì không có tiền trả lương. Cũng từ đây, cuộc sống gia đình thầy Dương trở nên khó khăn dẫn đến vợ chồng lục đục, ly hôn. "Mưa gió nhiều nên công việc bấp bênh, tháng vừa rồi tôi chỉ kiếm được 800.000 đồng trong khi phải nuôi 3 con nhỏ khiến tôi lâm vào cảnh khó khăn, phải vay mượn khắp nơi" - thầy Dương nói.

Thầy Nguyễn Ánh Dương vật lộn kiếm sống nuôi 3 con nhỏ

Muốn chấm dứt hợp đồng cũng phải… chờ

Cô Hồ Thị Ngọc Dung, giáo viên ngữ văn Trường THCS Ngô Mây, cho biết trường có 23 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng. Theo cô Dung, cô thuộc số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng trong tháng 10-2018 nên hiện vẫn đến trường để dạy nhưng chỉ nhận được 1 triệu đồng/tháng. "Chúng tôi không còn tâm trạng để dạy nên xin cho chấm dứt hợp đồng sớm nhưng không được" - cô Dung nói.

Còn theo thầy Dương, tháng 4-2017, lúc đó trường cũ thiếu giáo viên nên đề xuất thầy về dạy lại nhưng sau khi kiểm tra thì họ không nhận vì Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai vẫn đang đóng bảo hiểm xã hội cho thầy. Thầy Dương đã nhờ các cơ quan can thiệp xác nhận thầy không còn dạy ở Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và xin chấm dứt hợp đồng nhưng không được. "Tôi không còn dạy ở đó gần 2 năm qua, đã nhiều lần lên xin chấm dứt hợp đồng nhưng họ nói phải chờ thực hiện theo quy trình nên cơ hội nghề nghiệp đã trôi qua" - thầy Dương cho biết thêm.

Theo ông Y Suôn Byă, trước mắt sẽ chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên có tham gia thi tuyển đợt vừa qua nhưng không trúng tuyển. Sau đó sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với số lượng giáo viên không có vị trí việc làm. Khi phóng viên hỏi về nội dung đề án sẽ hỗ trợ như thế nào cho các giáo viên bị mất việc thì ông Y Suôn Byă cáo bận, từ chối trả lời.

Còn theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, chậm nhất đến tháng 10-2018, địa phương phải buộc thôi việc với 550 giáo viên hợp đồng. Về việc hỗ trợ các giáo viên, theo phương án tỉnh giao về cho huyện, phía Phòng Tài chính sẽ tham mưu vì ngân sách này thuộc địa phương.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có báo cáo về việc thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ về phương án chấm dứt hợp đồng giáo viên dôi dư. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, nhóm giáo viên hợp đồng có vị trí xét tuyển sẽ tổ chức rà soát, phân loại hợp đồng và chi trả trợ cấp giáo viên đúng quy định (hoàn thành trong tháng 8-2018). Riêng với nhóm giáo viên hợp đồng không có vị trí xét tuyển, trên cơ sở cân đối ngân sách của huyện sẽ chủ động xây dựng phương án hỗ trợ để chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định hiện hành (thời gian tiến hành chi trả các khoản trợ cấp, hỗ trợ hoàn thành trong tháng 10-2018). 

5 giáo viên khởi kiện

Thầy Nguyễn Ánh Dương cùng 4 giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đã khởi kiện nhà trường ra TAND huyện Krông Pắk. Theo thầy Dương, hơn 10 lần tòa mời ra giải quyết nhưng bất thành. Thầy cũng muốn đi các thành phố lớn tìm việc làm nhưng giờ phải ở nhà để theo đuổi vụ kiện.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 14-8, ông Lữ Đình Tính, Chánh án TAND huyện Krông Pắk, cho biết tòa nhận được đơn khởi kiện của nhóm 5 giáo viên. Tòa đã thụ lý hồ sơ và đang xem xét giải quyết theo quy định.

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ