A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bài học truyền thông

13:55 | 04/09/2018

Những ngày qua, dư luận tiếp tục lên tiếng về vụ “Con Cưng” và “cơm tấm Kiều Giang”.

 Sở dĩ như vậy là do thông tin trước đó, hai cơ sở nêu trên được coi là có nhiều vi phạm nghiêm trọng, thậm chí có cơ quan truyền thông còn lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hình sự sai phạm. Nhưng rồi, cơ quan có thẩm quyền lại đưa ra kết luận những sai phạm không nghiêm trọng như thông tin trên nhiều tờ báo trước đó. Ai đúng, ai sai và vì sao như vậy?

Lực lượng quản lý thị trường trong một lần kiểm tra hoạt động của “Con Cưng” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo kết luận tái kiểm tra vụ “Con Cưng” được Bộ Công thương công bố, thì chuỗi siêu thị này có một số sai phạm về hành chính trong các chương trình khuyến mại, website thương mại điện tử. Kết luận cũng nêu rõ, hàng hóa của Con Cưng có nguồn gốc đầy đủ, khác với nghi ngờ (thậm chí là quy kết) trước đó.

Theo Bộ Công thương, trên cơ sở phản ánh của báo chí và khiếu nại của khách hàng về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của Công ty cổ phần Con Cưng, Bộ đã chỉ đạo kiểm tra sơ bộ và sau đó lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra Công ty này trong vòng 10 ngày. Căn cứ vào kết quả kiểm tra đối với 75 mẫu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty, đoàn kiểm tra kết luận về cơ bản Con Cưng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số vi phạm của Con Cưng, và những hành vi đó vi phạm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Điều này đồng nghĩa những cáo buộc, nghi ngờ trước đó của dư luận về việc Con Cưng bán hàng giả xuất xứ Thái Lan là vô căn cứ, không đúng sự thật.

Cần lưu ý rằng, Công ty cổ phần Con Cưng được thành lập từ năm 2011, đến nay đã có 284 chi nhánh cửa hàng. Vì thế, những tố cáo, cáo buộc thiếu căn cứ (hay nói cách khác là ác ý) ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của công ty này trên phạm vi cả nước.

Tương tự, vụ “cơm tấm Kiều Giang” cũng khiến dư luận bất bình. 

Trước đó, có cơ quan truyền thông đã dùng những cụm từ mô tả mang tính quy kết như “thịt ngâm trong phụ gia “lạ”, “bốc mùi”, “nổi váng”, “không rõ nguồn gốc xuất xứ”, “không xuất trình được hóa đơn chứng từ”..., khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, khi mà cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đang rất quyết liệt. Nhưng khi cơ quan có thẩm quyền tái kiểm tra lại không phải như vậy. Điều đó cho thấy sự cảm tính, chủ quan, hồ đồ của người đưa tin, đã bị lợi dụng. Rốt cục, sau “tái kiểm tra”, vi phạm của cơ sở này cũng chỉ dừng ở mức phạt hành chính 2,3 triệu đồng, cho thấy hành vi sai phạm không lớn.

Vậy thì “oan khiên” mà các cơ sở kinh doanh phải chịu và những thiệt hại hữu hình cũng như vô hình đến với họ ai phải chịu trách nhiệm?

Từ hai vụ việc kể trên, cho thấy sự phức tạp trong môi trường sản xuất, kinh doanh hiện nay. Đồng thời cũng cho thấy trách nhiệm của truyền thông là rất lớn.

Người ta có quyền nghi vấn: Có hay không sự bắt tay giữa một số cán bộ, công chức quản lý thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm (hoặc có trách nhiệm trong lĩnh vực ngành hàng liên quan) với một số cơ quan  truyền thông? Vì rằng, trong cả 2 trường hợp nêu trên, không phải ngẫu nhiên mà nhà báo nào đó tự phát hiện ra, mà thực tế họ đã được nhân viên đoàn kiểm tra “chuyển thông tin”; quan trọng hơn còn “rủ nhà báo” đi cùng để chứng kiến. Như vậy, rõ ràng là có sự dàn cảnh, bắt tay với động cơ không trong sáng khi phản ánh không đúng bản chất sự việc.

Nếu có thể nhận thấy cán bộ chức năng về quản lý thị trường “đứng sau” một số cơ quan truyền thông thì ai, thế lực nào đứng sau lưng những vị có quyền, có trách nhiệm kiểm tra người khác? Việc này cần phải được làm rõ, vì nếu không đi đến cùng thì sự việc sẽ vẫn tái diễn.

Riêng với giới truyền thông, qua hai vụ việc trên một lần nữa lại phải gióng lên hồi chuông cảnh báo: Không để bị lợi dụng, không tiếp tay, móc ngoặc làm sai lạc sự thật, gây ảnh hưởng xấu. 

Và cũng qua 2 vụ việc trên, dư luận có thể yên tâm hơn với thái độ rõ ràng, kiên quyết của lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Thông tin- Truyền thông. Nhất là với sai phạm của một số phương tiện truyền thông, Bộ Thông tin-Truyền thông đã nhanh chóng vào cuộc, “phân xử” theo đúng quy trình, luật pháp. Những cơ quan truyền thông “dính” đến vụ việc rồi đây sẽ được xử lý đúng với mức độ sai phạm. Không ai vui gì với việc đó, nhưng hành động vô tình (hay cố ý) của một số phương tiện truyền thông khi đẩy doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn, đồng thời khiến người tiêu dùng hoang mang, thì không thể vô can. Cán bộ quản lý lĩnh vực sản xuất kinh doanh không có tâm thì doanh nghiệp sẽ khốn khó. Sự khốn khó đó sẽ nhân rộng khi được truyền thông thiếu trách nhiệm, truyền thông xấu tiếp tay, khác nào cùng nhau bức tử doanh nghiệp.

Vì thế, một lần nữa, sự cảnh giác lại phải được đặt ra.    

Miên Thảo

    Nguồn: Đại đoàn kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ