A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân Ea Kar điêu đứng vì nắng hạn

10:20 | 02/10/2018

Mặc dù đã xuất hiện mưa, tuy nhiên do nắng nóng kéo dài trong thời gian dài khiến việc sản xuất vụ hè thu ở huyện Ea Kar đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện đang có nguy cơ “trắng tay” do hạn.

Vụ hè thu 2018 toàn huyện Ea Kar gieo trồng được 51.113 ha (đạt 101,25% kế hoạch), trong đó có 6.540 ha lúa nước, 5.229 ha ngô, 9.693 ha cà phê... Do ảnh hưởng của hạn hán đã làm cho các cây trồng vụ hè thu sinh trưởng, phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Nhìn cánh đồng lúa sắp đến kỳ thu hoạch nhưng đã bị héo vàng, cây lúa còi cọc không phát triển như mọi năm, vợ chồng ông Chu Văn Sao (dân tộc Nùng) ở thôn 3, xã Cư Yang không khỏi xót xa. Vụ hè thu năm ngoái cũng với 1,2 ha lúa, gia đình ông thu được trên 8 tấn, không chỉ dư gạo ăn mà còn có bán để trang trải sinh hoạt.  Năm nay, do nắng hạn kéo dài, không có nước tưới nên vụ hè thu này sản lượng gần như mất trắng. Ông Sao than thở: “Mấy tháng nay vùng này không có mưa, hồ đập cạn nước, cây lúa chết khô. Hôm vừa rồi có hai trận mưa nên vợ chồng tôi tranh thủ bơm nước cứu lúa, mong vớt vát lại được vài bao làm thức ăn cho heo, gà. Cũng do thiếu nước tưới, 1 ha cà phê của gia đình bị ảnh hưởng, không đậu quả như vụ trước”.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar kiểm tra mực nước ở hồ chứa Ea Thu (xã Cư Bông).

 

 “Mặc dù trên địa bàn huyện đã có mưa, tuy nhiên do hạn hán thời gian dài đã ảnh hưởng nặng nề đến cây trồng. Toàn huyện đã có trên 1.000 ha cây trồng, chủ yếu là lúa nước bị khô hạn, trong đó có khoảng 150 ha mất trắng, 50-60% số diện tích năng suất chỉ còn 30-50%”.

 
 
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar Hồ Tấn Cư

Gia đình anh Hoàng Văn Thạo ở cùng thôn cũng lâm vào tình cảnh tương tự, 5 sào lúa của gia đình anh cũng mất trắng vì hạn. “Tôi trồng lúa ở vùng này hơn 30 năm nhưng chưa năm nào hạn hán kéo dài như năm nay. Mặc dù UBND xã và cán bộ khuyến nông cũng hướng dẫn người dân tìm kiếm nguồn nước để tưới cứu lúa nhưng các hồ thủy lợi, sông suối đều cạn nên không còn nguồn nước nào để bơm tưới cả”, anh Thạo buồn rầu nói. 

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Yang Phạm Xuân Hùng cho biết: Trước tình hình hạn hán kéo dài, nhiều hồ đập cạn nước, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn vận động người dân nạo vét kênh mương, giếng, mua ống tưới nước và tận dụng nguồn nước từ giếng khoan, ao hồ để cứu lúa. Tuy nhiên, do nguồn nước cạn kiệt nên trong số 560 ha lúa nước vụ hè thu năm 2018, đến nay đã có 108,9 ha của 270 hộ bị mất trắng, 70 ha bị giảm năng suất từ 50 - 70%. Không chỉ lúa nước mà 40 ha ngô và một số diện tích cà phê cũng bị giảm năng suất do thiếu nước.

Không chỉ xã Cư Yang mà nhiều nông dân thuộc các xã khác trên địa bàn huyện Ea Kar như Cư Bông, Cư Prông cũng bị thất thu do hạn hán. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cư Bông Võ Đăng Khoa, mặc dù địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp cứu lúa nhưng trên địa bàn xã vẫn có hơn 300 hộ bị thiệt hại với tổng diện tích 520 ha, trong đó có 60 ha mất trắng, 460 ha bị giảm năng suất từ 30-70%.

Ông Chu Văn Sao ở thôn 3 (xã Cư Yang) nỗ lực bơm nước cứu lúa

Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho hay, trước tình hình hạn hán kéo dài, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Kar đã chủ động kiểm tra, khảo sát nắm tình hình, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống hạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngành Nông nghiệp huyện đã huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã, tổ dùng nước, đơn vị quản lý công trình thủy lợi và chính quyền các địa phương tìm kiếm, tận dụng các nguồn nước, huy động các phương tiện như máy bơm, gàu để bơm, tát nước chống hạn... Tuy nhiên, do không đủ nguồn nước tưới nên mọi nỗ lực cũng chỉ cứu vãn được phần nào đó. Thiệt hại của người nông dân do hạn là rất lớn. Trước mắt, huyện đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua nhiên liệu, nạo vét lòng hồ, sửa chữa kênh mương phục vụ chống hạn và cấp gạo cứu đói, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Nguyễn Xuân

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ