A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo

10:38 | 10/11/2018

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X (Nghị quyết 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn,....

...chất lượng đời sống dân cư khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ nét. Khu vực nông thôn được tập trung nhiều nguồn lực để phát triển toàn diện, góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều lao động nông thôn đã được tư vấn, tìm việc làm thông qua các phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức

Là tỉnh cơ bản thuần nông, dân số khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, thời gian qua, tỉnh ta luôn xác định đầu tư khu vực nông thôn chính là nền tảng để phát triển kinh tế- xã hội hài hòa và bền vững. Từ đây, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26 đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân lãnh đạo, triển khai và thực hiện khá đồng bộ, nghiêm túc.

Bằng các chương trình, dự án, Đắk Nông đã quan tâm lồng ghép, thực hiện khá hiệu quả để đầu tư phát triển khu vực nông thôn và đạt được những kết quả bước đầu. Cùng với thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngày một phát triển toàn diện. Người nông dân đã thực sự được hưởng lợi từ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, đào tạo nghề, hỗ trợ giáo dục mầm non, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xóa nhà tạm…

Ví dụ, trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tính từ năm 2008 đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức được 125 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với gần 5.000 lượt học viên tham dự. Số lao động được giải quyết việc làm trong giai đoạn này là 172.982 người, trong đó lao động khu vực nông thôn chiếm trên 60%.

Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn tăng từ 85% năm 2008 lên 87% năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức 1,15% và không có lao động nông thôn bị thất nghiệp. Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp –xây dựng tăng khoảng 5% mỗi năm, thương mại, dịch vụ tăng từ 9 đến 10% mỗi năm và nông lâm ngư nghiệp giảm khoảng 3% năm. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề từ 14,7% năm 2008 lên 30,5% năm 2017, tăng 15,8%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp khu vực nông thôn chiếm trên 60%, giảm 14% so với năm 2008.

 

Theo chuẩn nghèo đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 thì kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2017, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 25.144 hộ với 112.150 khẩu, chiếm tỷ lệ 16,57% trên tổng hộ toàn tỉnh, giảm 2,63% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2016. Trong đó, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chung là 15.211 hộ, chiếm tỷ lệ 34,58% tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh, giảm 5,68% so với năm 2016; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 6.383 hộ, chiếm tỷ lệ 44,45% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ, giảm 9,34% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2016. Trong giai đoạn 2008-2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh mỗi năm giảm bình quân trên 2%. Với kết quả trên, Đắk Nông được đánh giá là một trong những địa phương có kết quả giảm nghèo tích cực.

 

Ngoài ra, với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, không chỉ hiệu quả kinh tế trong sản xuất tăng lên mà còn giải phóng đáng kể sức lao động cho người nông dân. Tính đến cuối năm 2017, tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp tỉnh đạt 7.844 tỷ đồng, chiếm 44,11% cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng 4.012 tỷ đồng so với năm 2008. Giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1 ha đất canh tác hiện nay đạt hơn 85 triệu đồng, tăng hơn 51 triệu đồng so với năm 2008.

Có được kết quả đó trước hết là nhờ chúng ta đã phát huy tích cực các nguồn lực đầu tư trong phát triển nông nghiệp như ứng dụng tiến bộ khoa học từ khâu giống, cơ giới hóa khâu sản xuất, chăm sóc để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, với định hướng phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chúng ta đang từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân, tạo công ăn, việc làm ổn định cho lao động nông thôn.  

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy, mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn đang cần những sự bứt phá mới. Với đặc thù là tỉnh có dân di cư tự do hằng năm lớn, tỷ lệ dân cư sống bằng sản xuất nông nghiệp cao, nếu chúng ta không có những cách thức, giải pháp giảm nghèo bền vững thì nguy cơ tái nghèo sẽ xảy ra. Hơn thế, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đang có chiều hướng giảm tích cực nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo, có nguy cơ tái nghèo cao. Chính vì vậy, việc tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư đồng bộ, hiệu quả cho khu vực nông thôn cần được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện.

Bài, ảnh: Đức Diệu

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ