A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Điều theo mức lương mới, giá khám chữa bệnh lại tăng

08:02 | 12/12/2018

Từ ngày 15-12 tới đây, giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo mức lương cơ sở hiện hành. Với việc điều chỉnh này, giá khám chữa bệnh sẽ tăng từ gần 3.000 đồng đến 4.000 đồng/lượt khám.

Giá viện phí sắp được điểu chỉnh theo mức lương cơ sở hiện hành

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết ngày 15-12 tới đây Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (thay thế thông tư 15/TT-BYT ngày 30-5-2018) chính thức có hiệu lực. 

Theo quy định tại thông tư này, chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ 1.150.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013) sang mức lương cơ sở 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018). Theo đó, mức giá điều chỉnh các dịch vụ y tế tăng trung bình 3,2% trong đó giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%.

Cụ thể, với dịch vụ khám bệnh ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng 1 hiện giá khám chữa bệnh là 33.100 đồng/lượt khám sẽ điều chỉnh tăng lên 37.000 đồng/lượt khám, BV hạng 2 hiện là 29.600 đồng/lượt khám sẽ tăng lên 33.000 đồng/lượt, BV hạng 3 từ 26.6000 đồng/lượt khám tăng lên 29.000 đồng, BV hạng 4 và trạm y tế xã giá khám chữa bệnh từ 23.300 đồng/lượt khám lên 26.000 đồng/lượt khám.

Hơn 1.900 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng khoảng 3%

Đối với BV hạng đặc biệt dịch vụ giường bệnh gồm: giường điều trị Hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng/ghép tủy/ghép tế bào gốc điều chỉnh từ 678.100 đồng/ngày lên 753.000/ngày; giường bệnh Hồi sức cấp cứu từ 401.000 đồng lên 441.000 đồng/ngày; giường bệnh ở các khoa: Truyền nhiễm, Hô hấp, Huyết học, Ung thư, Tim mạch, Tâm thần, Thần kinh, Nhi, Tiêu hoá, Thận học; Nội tiết; Dị ứng (đối với bệnh nhân dị ứng thuốc nặng: Stevens Jonhson/ Lyell): từ 208.000 đồng lên 232.000 đồng/ngày; giường các khoa: Cơ-Xương-Khớp, Da liễu, Dị ứng, Tai-Mũi-Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Ngoại, Phụ -Sản không mổ; YHDT/ PHCN cho nhóm người bệnh tổn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não: từ 189.600 đồng lên 210.000 đồng/ngày.

Đối với BV hạng I, dịch vụ giường hồi sức, ICUsẽ được điều chỉnh từ 615.000 đồng lên 678.000 đồng/ngày; với các dịch vụ khác giá giường bệnh cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 20.000-40.000 đồng/ngày/giường. Cùng đó giá của hơn 1.900 dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở hiện tại.

Lý giải việc điều chỉnh giá này, ông Nguyễn Nam Liên cho biết theo quy định hiện nay giá dịch vụ y tế đang được tính bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở. Với 2 cấu cấu thành còn lại là chi phí quản lý và khấu hao tài sản hiện chưa được tính vào giá dịch vụ y tế. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 về điều chỉnh mức lương có sở từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng (có hiệu lực từ 1-7-2018). Tuy nhiên, sau khi cân nhắc và đánh giá những tác động đến quỹ bảo hiểm y tế, mới đây Bộ Y tế đã ban hành thông tư điều chỉnh và chính thức áp dụng mức giá mới từ ngày 15-12 tới đây. Theo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ước tính chi phí của các dịch vụ y tế tăng thêm vào thời điểm cuối năm 2018 vẫn đảm bảo việc cân đối quỹ BHYT vẫn trong phạm vi cho phép.

Bộ Y tế cho rằng đợt điều chỉnh giá khám chữa bệnh này tác động không nhiều tới người bệnh

Với đối tượng người dân việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100%: không bị ảnh hưởng. Đối với người cận nghèo: chỉ phải đồng chi trả 5% (tỉ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 3,23%) nên mức độ tác động không đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông Liên, với nhóm đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23% của phần đồng chi trả 20%. Mặt khác, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí KCB BHYT hơn khi thực hiện mức giá hiện hành.

Ngọc Dung

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ