A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vất vả nghề... "đi dây"

15:05 | 29/12/2018

Thời điểm cuối năm, nhiều tòa nhà cao tầng xuất hiện những người thợ làm việc trong điều kiện treo mình trên những sợi dây để hoàn tất những công đoạn cuối cùng trước khi bàn giao cho chủ đầu tư,...

... hoặc là những công nhân vệ sinh công nghiệp "khoác chiếc áo mới" cho những công trình sau nhiều năm sử dụng...

Anh Nguyễn Xuân Hưng, kỹ sư xây dựng phụ trách một nhóm thợ “đi dây” của Công ty TNHH Xây dựng Thành Đạt cho biết, công việc này mới phổ biến tại Đắk Lắk trong mấy năm gần đây. Khi công trình xây dựng nhà cao tầng đi vào giai đoạn hoàn thiện, việc duy trì giàn giáo để sơn tường bên ngoài, sơn dặm những mảng màu chưa đồng nhất, lắp đặt khung kính... sẽ tốn thêm nhiều chi phí. Mặt khác, trong không gian đô thị hiện nay, mật độ xây dựng ngày càng dày đặc, yêu cầu đơn vị thi công phải tính toán đến phương án gọn nhẹ nhất nên nhu cầu sử dụng thợ “đi dây” ngày càng nhiều.

Nhóm thợ “đi dây” làm sạch bên ngoài một tòa nhà cao tầng tại TP. Buôn Ma Thuột

Đa số thợ “đi dây” làm việc theo thời vụ cho các công ty xây dựng, vệ sinh công nghiệp nên rất ít người được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như những công việc khác, trong khi đây là nghề mà rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập.

Muốn trở thành thợ “đi dây” bắt buộc phải là người trẻ, khỏe, cẩn thận, nhanh trí và có ý thức chấp hành kỷ luật. Thợ “đi dây” thường phải có mặt từ sớm ở công trường để tự mang vác, chuẩn bị dụng cụ và kiểm tra các điều kiện an toàn. Trong quá trình làm việc, họ luôn treo mình lơ lửng giữa tòa nhà bằng dây ghế và một sợi dây an toàn và tự điều khiển độ cao vị trí ngồi bằng nút buộc của dây ghế. Ngoài trọng lượng cơ thể, người thợ còn phải mang theo các loại dụng cụ vệ sinh, con lăn, thùng sơn... nặng hơn 20 kg. Chính vì vậy, họ phải học cách giữ thăng bằng cho cơ thể từ khoảng cách khá xa so với mặt đất. Ngoài ra, người thợ cũng phải tính toán khối lượng công việc trong một buổi sao cho vừa bảo đảm tiến độ, vừa đỡ tốn công phải mang vác dụng cụ ngược lên tầng thượng của công trình nhiều lần.

Nhóm thợ do anh Hưng quản lý thi công tu bổ Bảo tàng Đắk Lắk

Anh Lê Văn Tuân (32 tuổi, ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) đã gắn bó với công việc “đi dây” trên các tòa nhà cao tầng hơn 10 năm. Anh còn truyền nghề cho 2 người em ruột, người trẻ nhất cũng đã có thâm niên hơn 7 năm trong nghề. Với 3 anh em họ, việc treo mình bên ngoài các tòa nhà cao tầng đã trở nên quen thuộc. Anh Tuân chia sẻ: "Mặc dù số lượng nhà cao tầng tại Đắk Lắk chưa nhiều và không cao như những nơi khác nhưng người thợ “đi dây” phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn, nhất là gió và nắng. Những tháng cuối năm thường rất bận rộn, các tốp thợ phải làm việc liên tục và luôn sẵn sàng tăng ca cho kịp tiến độ công trình".

Tuổi nghề của những người thợ “đi dây” thường khá ngắn, chỉ khoảng trên dưới 10 năm. Và không phải ai cũng đủ “bạo gan” chọn công việc này, mặc dù mức lương cho công việc này luôn gấp đôi hoặc gấp rưỡi thợ làm việc trong những điều kiện khác.

Đinh Nga

,

 

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ