A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kịp thời xử lý phản ứng sau tiêm chủng

09:14 | 17/01/2019

Những ngày vừa qua, thông tin hơn 100.000 trẻ đã được tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five, trong đó hàng trăm trẻ đã xảy ra phản ứng sốt, sốt cao, khóc, khó thở... đã khiến nhiều cha mẹ lo lắng.

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng”, do lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì, ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đó là những phản ứng, khẳng định vắcxin hiệu quả trong phòng bệnh.  

Cần nâng cao nhận thức về tiêm chủng cho người dân.

Chiều ngày 16/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường Công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng”, do lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì với sự tham gia của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu.

Nâng cao nhận thức về tiêm chủng 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, đây là lần đầu tiên ngành y tế có hội nghị trực tuyến tập huấn cho hàng nghìn cán bộ tham gia công tác tiêm chủng, xử lý các phản ứng sau tiêm nếu có tại 700 đầu cầu của 63 tỉnh thành trên cả nước.

Những ngày vừa qua, thông tin hơn 100.000 trẻ đã được tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five, trong đó hàng trăm trẻ đã xảy ra phản ứng sốt, sốt cao, khóc, khó thở... đã khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đó là những phản ứng, khẳng định vắc xin hiệu quả trong phòng bệnh. Theo đó, cần hiểu tiêm chủng là cách chúng ta đưa một lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh có khả năng kích thích cơ thể, sinh ra lượng kháng thể để chống lại bệnh tật. Trẻ đã được tiêm chủng khi gặp virus sẽ có sẵn kháng thể để chống lại bệnh tật.

Bộ trưởng khẳng định, tiêm bất cứ thuốc gì vào cơ thể đều có khả năng xảy ra phản ứng, sốc  phản vệ. Tuy nhiên, nếu không tiêm chắc chắn trẻ sẽ mắc bệnh, lúc đó, nguy cơ tử vong còn cao hơn, tốn kém về kinh tế, chưa kể trẻ sẽ sống ốm yếu, sức khỏe bị ảnh hưởng.

GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vận dụng mô hình y tế thông minh là khi can thiệp ở người khỏe thì sẽ có một khối lượng lớn nhất người được bảo vệ với chí phí thấp nhất. Chúng ta cần phát hiện sớm bệnh thông qua công tác y tế dự phòng. Cần phải tuyên truyền cho các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng, sau tiêm chủng có thể có các phản ứng từ nhẹ đến nặng nhưng vấn đề quan trọng nhất là cần phải theo dõi, xem xét và xử lý kịp thời. Các ca phản ứng sau tiêm hầu như là các bé quấy khóc hoặc ngủ li bì,… khi gia đình phát hiện và đưa đến bệnh viện thì đã muộn.

Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ tử vong sau tiêm chủng. Thứ nhất, là do nguyên nhân khách quan (suy hô hấp, viêm phổi, sặc sữa…). Nguyên nhân thứ hai là do cơ địa của trẻ mẫn cảm, nhạy cảm thì sau tiêm sẽ có phản ứng mạnh hơn. Thứ ba, đó là do gia đình không phát hiện kịp thời để đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kịp thời xử lý và một nguyên nhân sâu xa nữa là xa quá, khi đến nơi thì trẻ đã tử vong rồi. Chúng ta cần tập huấn toàn bộ, xử lý các phản ứng chống sốc theo Thông tư 51 để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm. 

Chú trọng tập huấn xử lý phản vệ

Hội nghị trực tuyến cũng cung cấp những điểm mới trong Thông tư 51 về “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ”. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Đoàn-  nguyên Giám đốc Trung tâm Miễn dịch - Dị ứng lâm sàng BV Bạch Mai: Khoảng 1 đến 2% dân số đã có một lần phản vệ. Điểm mới của Thông tư 51 đó là dùng từ phản vệ thay cho sốc phản vệ. Phản vệ là phản ứng nặng, xảy ra đột ngột, có thể tử vong. Phản ứng phản vệ là liên quan đến một loại tế bào. Trong Thông tư cũng đã đưa ra nhiều loại hình phản vệ (phản vệ một pha, phản vệ hai pha và phản vệ kéo dài). Trên thế giới đã phân loại thành 3 loại phản vệ. Các cơ chế phản vệ rất phức tạp và đa hình,…

Tại Hội nghị, PGS.TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc BV Nhi trung ương đã cập nhật hướng dẫn xử trí sau tiêm chủng. Theo đó, tiêm vắc xin là đưa kháng nguyên từ mầm bệnh để kích thích hệ miễn dịch và phát triển miễn dịch đặc hiệu chống lại mầm bệnh mà không gây ra bệnh liên quan đến mầm bệnh. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sau thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế sau tiêm chủng: Sốt cao trên 39 độ C; quấy khóc kéo dài, chi lạnh, da nổi vân tím; hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.

Chia sẻ về vấn đề hướng dẫn, tư vấn sau tiêm chủng, PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho hay, các phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào đó là: Phản ứng tại chỗ (sưng, đỏ, đau) có thể tới 50%; sốt (>38 độ C) có thể tới 50%; các triệu chứng toàn thân, kích thích, khó chịu, quấy, khóc có thể tới 55%. Các bà mẹ cần phải chú trọng theo dõi trẻ sau tiêm chủng để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ, có sự xử trí kịp thời để bảo vệ trẻ.    

Sáng 16/1, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, cho biết theo kết luận ban đầu từ các chuyên gia, nguyên nhân bé gái 2 tháng tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội tử vong ngày 10/1 sau khi tiêm vắc xin  ComBE FIVE là do sốc phản vệ.”Chúng tôi hiện đang chờ kết luận của cơ quan chức năng mổ tử thi và làm pháp y.  Kết luận cuối cùng dự kiến sẽ có trong vòng 1 tháng” - ông Cảm nói. Trước đó, vào ngày 9/1, tại Trạm y tế xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất xảy ra trường hợp một bé tiêm vắc xin  ComBE FIVE mũi 1, sau khi về nhà bé bị sốt. Rạng sáng hôm sau, bé có biểu hiện bất thường, chảy máu mũi. Gia đình đưa bé đến trạm y tế xã cấp cứu, rồi chuyển đến BV Đa khoa Thạch Thất. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể cứu được bé.

 

Tính đến đầu tháng 1/2019, đã có hơn 130.000 trẻ được tiêm vắc xin ComBE Five. Theo báo cáo của các địa phương, tỉ lệ trẻ phản ứng sau tiêm ComBE Five là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỉ lệ khoảng 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị. Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, tỉ lệ phản ứng thông thường sau tiêm các vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào (vaccine Quinvaxem, ComBE Five) là: Sốt từ 38-39 độ C chiếm tới 44,5%, phản ứng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin sử dụng).

Đức Trân

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ