A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đường dây nóng

08:20 | 30/01/2019

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong dịp trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi (2019), Ủy ban ATGT quốc gia vừa công bố 20 số điện thoại “nóng”...

...để người dân có thể phản ánh tất cả các vấn đề liên quan đến trật tự ATGT đường bộ, đường thủy nội địa, đường không, hàng hải...

Bộ Công an cũng mới có Chỉ thị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự ATGT của lực lượng CAND. Dư luận kỳ vọng với những nỗ lực đó, TNGT sẽ được kéo giảm.    

Việc Ủy ban ATGT quốc gia công bố các đường dây nóng là một trong những biện pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo trật tự ATGT vào dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân, kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương.

Đáng nói, các đường dây nóng lần này đã bao gồm đủ hầu hết các đơn vị có liên quan đến trật tự ATGT như: Vụ Vận tải, Vụ ATGT, Thanh tra, Cục Đường sắt, Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng không, Cục Hàng hải... đều thuộc Bộ GTVT, Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia và Cục CSGT (Bộ Công an).

Cùng với việc công bố 20 đường dây nóng, Ủy ban ATGT quốc gia cũng khuyến cáo người dân khi phản ảnh tới các cơ quan tiếp nhận cần có đầy đủ thông tin về hành trình, địa điểm, BKS phương tiện, số hiệu chuyến bay, thời gian, lỗi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự ATGT..., ưu tiên dùng tin nhắn để đảm bảo tính chính xác. Theo đó, tình hình ùn tắc giao thông, TNGT, hạ tầng giao thông không đảm bảo, các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT... người dân đều có thể phản ánh về các đường dây nóng của các cơ quan tương ứng và sẽ được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Cùng với đó, lực lượng có vai trò chủ chốt trong công tác đảm bảo trật tự ATGT cũng đã có những chỉ dẫn cụ thể từ người đứng đầu Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, phối hợp các cơ quan để xây dựng, phát triển phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự và trật tự ATGT với những mô hình phù hợp, thiết thực, có hiệu quả cao. Tất cả hướng tới mục tiêu mọi người dân đều nhận thức và chấp hành đúng các quy định về ATGT, tránh để xảy ra ùn tắc và TNGT.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu lực lượng CSGT phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại để giám sát, ghi hình, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Nhằm tránh tình trạng tiêu cực, mãi lộ ở một bộ phận CSGT thoái hóa biến chất, người đứng đầu Bộ Công an quy định bắt buộc phải công khai các nội dung trong hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ATGT (trừ những nội dung thuộc quy định bí mật nghiệp vụ).

Không chỉ Cục CSGT mà lực lượng CSGT, công an các địa phương phải thực hiện tốt công tác nắm chắc và dự báo sát tình hình, bố trí lực lượng hợp lý, chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp ngay khi mới phát sinh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính cưỡng chế thi hành pháp luật.

Cụ thể, cần bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ đủ mạnh trên các tuyến giao thông trọng điểm và thực hiện vũ trang tuần tra kiểm soát, chủ động trấn áp các loại tội phạm, trong đó phải phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm chống người thi hành công vụ.

Trong bối cảnh mỗi dịp Tết đến Xuân về, các loại tội phạm lại “trỗi dậy” mạnh mẽ, manh động, liều lĩnh hơn nên ngoài nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, lực lượng CSGT còn phải phối hợp với CSCĐ, CSHS, CSTT và các lực lượng công an khác để trấn áp các loại tội phạm trên tuyến giao thông và giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông như: Buôn lậu pháo nổ, buôn bán hàng cấm, chống người thi hành công vụ... Việc kịp thời trấn áp các loại tội phạm trên các tuyến giao thông cũng chính là một biện pháp đảm bảo trật tự ATGT có hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định phải xây dựng lực lượng CSGT bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Cục CSGT và công an các địa phương cần rà soát lại đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT để đánh giá, phân loại, sắp xếp, bố trí cho phù hợp, rèn luyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, khả năng xử lý các tình huống trong khi làm nhiệm vụ, kiểm tra đủ điều kiện mới bố trí làm nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm, đồng thời xem xét kết quả thi đua của đơn vị và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị có cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

Như vậy, việc công bố tới 20 số điện thoại nóng của Ủy ban ATGT quốc gia, cùng với đó là thái độ kiên quyết của Bộ Công an khiến dư luận xã hội hết sức phấn khởi và kỳ vọng vào một cái Tết an lành, hạnh phúc, không xảy ra quá nhiều các vụ TNGT, giảm thiểu số người thiệt mạng và bị thương.

Bên cạnh việc phản ánh các thông tin về trật tự ATGT, người dân còn có thể trực tiếp phản ánh về Cục CSGT và Bộ GTVT những hành vi nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh phong bì lót tay của những cán bộ, chiến sĩ CSGT hay lực lượng TTGT tại các tuyến đường trên toàn quốc. Tin rằng, Tết Kỷ Hợi này, đường dây nóng sẽ giúp hạ nhiệt trong lĩnh vực ATGT.

Lê Anh Đức

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ