A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hiệu quả từ mô hình "Tình chị em" ở Ea Bhốk

14:01 | 14/02/2019

Được triển khai từ tháng 7-2016, đến nay mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) "Tình chị em" tại Trạm Y tế xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin)...

... đã mang lại nhiều hiệu quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc thay đổi nhận thức của phụ nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ, chăm sóc và nuôi dưỡng con cái…

Phòng thương hiệu “Tình chị em” cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại, khám và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản, tầm soát ung thư cổ tử cung, hướng dẫn chị em khám vú để phát hiện những bất thường cần can thiệp sớm, chăm sóc thai nghén, chăm sóc sau sinh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên... Đối tượng mô hình chú trọng phục vụ là phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 50 tuổi. 

Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Bhốk tư vấn cho khách hàng tại Phòng thương hiệu “Tình chị em”

Để Phòng thương hiệu “Tình chị em” phát huy tốt hiệu quả của mình, Trạm Y tế xã Ea Bhốk đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức truyền thông nhóm tại cộng đồng mỗi tháng từ 2 - 3 lần để giới thiệu, quảng bá Phòng thương hiệu “Tình chị em”, đồng thời phân công cho cộng tác viên thường xuyên đến thăm hộ gia đình, tư vấn trực tiếp, cấp phát tài liệu, tờ rơi… nhằm giúp chị em có thêm kiến thức, cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, khắc phục tâm lý e ngại khi tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Cán bộ Trạm Y tế xã cũng được tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng tư vấn. Dự án còn bổ sung cho Trạm Y tế các trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ cho việc chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường sinh sản, tình dục, thực hiện các biện pháp tránh thai… Đặc biệt, khu vực tư vấn Phòng thương hiệu “Tình chị em” được bố trí không gian tiếp khách thân thiện, lịch sự; các cán bộ, nhân viên y tế luôn gần gũi, thân thiện và nhiệt tình.

Qua hơn 2 năm triển khai, Phòng thương hiệu “Tình chị em” đã giúp nhiều phụ nữ nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Nhiều chị em bỏ qua tâm lý e ngại, rụt rè, tích cực tham dự những buổi truyền thông tại cộng đồng, mạnh dạn tự tin hỏi cán bộ về những vấn đề tế nhị của phụ nữ. Số lượng chị em đến Trạm Y tế xã sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ tăng gấp 2 - 3 lần so với khi chưa triển khai Dự án. Từ đầu năm 2018 đến nay, có gần 90% số cặp vợ chồng trên địa bàn xã Ea Bhốk áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; Trạm Y tế xã đã điều trị phụ khoa cho 150 người, khám thai cho trên 200 lượt bà mẹ, tiếp nhận 242 lượt chị em trong độ tuổi sinh đẻ đến tư vấn và thực hiện dịch vụ KHHGĐ, 125 trường hợp đặt vòng tránh thai, 60 trường hợp tiêm thuốc tránh thai, 430 trường hợp uống thuốc tránh thai.

Chị H’Ôn Niê (ở buôn Khít, xã Ea Bhốk) chia sẻ: “Trước đây tôi rất ngại đi khám phụ khoa. Sau khi được tuyên truyền và biết đến Phòng thương hiệu “Tình chị em” tại Trạm Y tế xã, tôi đã đến khám và thấy rất an tâm, tin tưởng. Cơ sở, trang thiết bị đầy đủ, thái độ của các cán bộ y tế rất thân thiện, nhiệt tình. Điều đặc biệt, những tư vấn, hướng dẫn của các cán bộ y tế đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ”.

Mỹ Hằng

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ