A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mê tín dễ bị trục lợi

10:52 | 22/02/2019

Từ quan niệm “trần sao âm vậy”, “có thờ có thiêng”, dần dà biến tướng thành ra lễ hậu mong được giàu sang, làm ăn phát đạt… rồi cứ vào dịp đầu Xuân người ta lại nô nức cầu cúng dâng sao giải hạn.

 Để rồi có biết bao nhiêu người dù đã cầu cúng dâng sao giải hạn mà vẫn dính hạn, trong khi đó người tổ chức hốt bạc…

Người dân ngồi dưới lòng đường để dâng sao ở một ngôi chùa tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Khoảng chục năm trở lại đây, tục dâng sao giải hạn rầm rộ ở nhiều chùa mỗi dịp Xuân về mới phổ biến. Trước kia, vào thời phong kiến, không thấy cha ông ta phản ánh điều này trong tục ngữ, ca dao và sách vở ghi chép lại. Còn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, việc lễ lạt tại các đình chùa bị xem nhẹ chứ nói gì đến làm lễ dâng sao giải hạn rầm rộ. Vậy thì hiện tượng “cúng dâng sao giải hạn” tại sao lại có, và có đúng nghi lễ của Phật giáo hay không?.

Ngày 20/2/2019, Bộ VHTTDL có công văn số 591/BVHTTDL-VHCS gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chỉ đạo các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức và quản lý lễ hội. Và ngay ngày 20/2/2019, thay mặt Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Ban Thường trực có văn bản số 033/CV-HĐTS gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho Phật tử và nhân dân tại các chùa nhân dịp đầu Xuân mới. Nội dung trong văn bản viết: “Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng các phương tiện để tập hợp mọi người giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp”. Như vậy, dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ nguyên thủy của Phật giáo. Nhưng, trong số hàng vạn người từng đặt tiền làm lễ dâng sao giải hạn, có mấy ai quan tâm hay tìm hiểu xem dâng sao giải hạn có đúng là của Phật giáo hay không? Chính cái tâm lý “Có thờ có thiêng” tuy đơn giản nhưng lại dễ xui khiến biết bao nhiêu người “chặc lưỡi”: “Ôi dào, chỉ mất vài ba trăm nghìn đồng là lo lễ xong cho cả gia đình thì tiếc gì. Mà có lễ sẽ được yên tâm”. Hay với người có điều kiện dư dả tiền bạc thì cũng chả buồn suy xét mà lại tự nhủ: “Nhiều người đi lễ thế chắc chùa ấy thiêng”. 

Không hiểu biết, tâm lý theo đám đông, chi tiền không tiếc để đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn thì quả đúng là mê tín. Tất nhiên, ai mê thì người đó chịu, gia đình người đó chịu chứ với các thày chùa, người tổ chức các khóa lễ thì lại rủng rỉnh tiền bạc. Chùa Phúc Khánh ở Hà Nội nổi tiếng mấy năm nay về “nạn” dâng sao giải hạn khiến cả một đoạn đường tắc nghẽn. Người đi lễ vì không có chỗ đứng trong chùa nên đổ tràn ra đường phố đứng. Chưa rõ số tiền thu được là bao nhiêu nhưng có báo viết lên tới hơn 80 tỷ đồng. Đó mới chỉ là ở một chùa. Còn hàng trăm chùa khác trên cả nước thu hút đông Phật tử đến lễ thì con số là bao nhiêu tiền? Điều nghịch lý là việc chi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cho lễ dâng sao giải hạn không tiếc mà lại dè sẻn với chi tiêu gia đình, con cái học hành, cho những đóng góp nho nhỏ đối với xã hội như tiền vệ sinh môi trường… 

Những người mê tín chắc sẽ thêm giật mình khi biết các sao “xấu” như La Hầu, Kế Đô là hai thiên thể tưởng tượng. Và không lẽ các thiên thể tưởng tượng này cùng với các thiên thể khác như Mặt trăng, Mặt trời, sao Kim… lại chỉ có thể chi phối đối với người này mà không phải người kia? Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) nói: “Với việc tính tuổi theo 12 con giáp mà người Việt đang ứng dụng để tính tuổi thì không lẽ nhân loại hơn 7 tỷ người mà chỉ có 12 loại số phận hay sao?”. 

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm”. Cũng tại nhiều ngôi chùa, việc ra giá để người dân mua lễ dâng sao giải hạn (ở chùa Phúc Khánh là 150 ngàn đồng/người) vô hình trung đã biến tôn giáo trở thành một thị trường, trong đó mọi nghi lễ đều được quy ra tiền.

Làm sao để tín ngưỡng dân gian xưa trở lại thuần phác? Người ta đi lễ với tấm lòng thành thanh tịnh. Đi lễ để thư thái, vui xuân. Đi lễ như một thứ gột rửa và sám hối để sống sao cho lương thiện hơn. Chùa nào cũng thờ Phật nên chùa nào cũng thiêng. Chỉ cốt ở việc số tiền bỏ ra xây dựng chùa có là tiền sạch hay không? Người có trí tuệ, hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là người giác ngộ đều hiểu rằng dâng cúng lễ nhiều để cầu xin, để chạy tội, chạy chức chạy quyền, buôn gian bán lận, lừa đảo… đều không được Phật chứng. Bởi vì tất cả là do luật Nhân – Quả. Tất cả họa - phúc mà con người gặp phải đều là do nhân quả của chính người ấy tạo nên. Không có quả nào từ trên trời rơi xuống, mà đều do các hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Cũng như ta gieo hạt lúa thì sẽ cho cây lúa chứ không thể ra cây ngô được. Trong tín ngưỡng dân gian, khi đã trót làm điều ác thì hãy sám hối và tích cực làm điều thiện để trả nghiệp và gieo duyên lành. 

Hiểu được triết lý sâu xa của đạo Phật, hiểu được ý nghĩa tín ngưỡng của dân gian cha ông ta xưa, chắc chắn khi đi lễ, gặp cảnh đông đúc con người ta cũng sẽ có sự cư xử giàu văn hóa, văn minh…

Từ Khôi

    nguồn :(daiđoanket.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ