A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nền hành chính không giấy tờ

10:47 | 12/03/2019

Hôm nay (12/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

 Đây là bước quan trọng để tiến tới xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia. Nếu những mục tiêu này được hoàn thành điều đó cũng có nghĩa thông điệp về một nền hành chính không giấy tờ sẽ trở thành hiện thực.

Vậy Trục liên thông văn bản quốc gia là gì và vì sao nó lại có ý nghĩa quan trọng như vậy trong cả tiến trình tiến tới Chính phủ số, và một nền hành chính không giấy tờ? Ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, theo quy định tại Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử. Như vậy, Trục liên thông văn bản quốc gia nếu được kết nối sẽ thông tuyến giữa VPCP với tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Tại sao phải ráo riết thực hiện kết nối liên thông Trục liên thông văn bản quốc gia là bởi trong bối cảnh các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương được triển khai trên nhiều nền tảng kỹ thuật công nghệ khác nhau, phát triển trên các hệ điều hành khác nhau, chưa được kết nối với nhau thì có thực hiện cơ chế một cửa quốc gia cũng rất khó. Nếu có sự liên thông thì cơ chế một cửa mới thực sự có ý nghĩa. Như vậy, chỉ cần một cú kích chuột chúng ta sẽ có những thông tin cụ thể về một cá nhân, doanh nghiệp hay một sự việc gì đó mà không cần phải gõ quá nhiều cửa.

Rõ ràng việc xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia có chức năng kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước hàng năm, góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên văn bản giấy sang nền hành chính văn bản điện tử; đồng thời góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Với quyết tâm hiện thực hóa chủ trương về một nền hành chính phi giấy tờ, theo ông Ngô Hải Phan, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc VPCP (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Vụ Hành chính, Trung tâm tin học), Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Bưu điện trung ương), Ban Cơ yếu Chính phủ (Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin) và Tập đoàn VNPT để thực hiện kết nối gửi, nhận văn bản với VPCP. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương; tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp, đồng thời thúc đẩy và nâng cao vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin: Năm 2018, chỉ số về Chính phủ điện tử được nâng thêm một bậc, đang đứng thứ 88/193 quốc gia, lãnh thổ, chỉ số dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc. “Chỉ số này cho thấy sự cố gắng của chúng ta, nhưng so với kỳ vọng thì còn hạn chế. Ngay cả vấn đề xây dựng thể chế hay quy định vấn đề về chia sẻ dữ liệu thông tin, về bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt là kết nối chia sẻ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các dịch vụ công trực tuyến với doanh nghiệp, người dân còn rất khiêm nhường”.

Có thể nói xây dựng Chính phủ điện tử gắn liền với cải cách của Chính phủ. Trong giai đoạn Thủ tướng đang quyết liệt về cải cách ở các cơ quan hành chính nhà nước về thủ tục, đây là ưu tiên số 1 của Chính phủ. Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo ra công khai, minh bạch, trực diện, đi thẳng vào yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, từ đó hạn chế tiêu cực, hạn chế tham nhũng vì người dân không cần gặp, cũng không cần biết ai giải quyết vấn đề của họ nên tránh được tiêu cực, lãng phí.

Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu đề ra, cần có những hành động cụ thể, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, nhất thiết phải gỡ rào cản từ khâu cán bộ thực thi công vụ từ bỏ thói quen làm việc bằng giấy tờ. Ai cũng biết muốn một số cán bộ thay đổi thói quen từ làm trên giấy tờ truyền thống sang sử dụng công nghệ thông tin trên nền điện tử là vì họ không muốn rời bỏ quyền lợi, đặc ân riêng có. Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì chúng ta không chấp nhận việc đó được. Chúng ta phải triển khai một cách đồng bộ với các giải pháp rất quan trọng.

Và muốn cán bộ không ngại từ bỏ giấy tờ thì trước hết là làm tốt công tác tư tưởng, coi sử dụng công nghệ thông tin là nguyên tắc bắt buộc của cán bộ công chức khi thực thi công vụ. Đồng thời phải kiểm tra, đôn đốc, giám sát và có chế tài xử lý nghiêm với cán bộ nếu cố tình kiếm cớ trì hoãn, tạo rào cản cho cả quá trình cải cách của toàn bộ hệ thống.     

Nguyên Khánh

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ