A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những "kiểm lâm chân đất"

16:25 | 27/03/2019

Họ là những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, cuộc sống gắn với ruộng nương và sản phẩm lấy từ các cánh rừng bao quanh buôn làng.

 Nhưng kể từ khi nhận khoán rừng, họ đã trở thành lực lượng kiểm lâm không chuyên, góp sức vào công cuộc bảo vệ những cánh rừng xanh

Một ngày giữa tháng 3-2019, dưới cái nóng như chảo rang của mùa khô Tây Nguyên, con đường tuần tra của Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin vẫn thấp thoáng những chiếc xe máy nối đuôi nhau ì ạch leo lên con dốc dựng đứng. Trong đoàn “hành quân” đó, ngoài các cán bộ kiểm lâm VQG Chư Yang Sin còn có một số người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Đắk Tuar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đồng hành để tuần tra bảo vệ rừng.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cùng người dân nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng

 

“Người dân sống ở vùng đệm của Vườn cuộc sống còn nhiều khó khăn nên khi việc quản lý, bảo vệ rừng mang lại nguồn thu nhập đã làm họ thay đổi nhận thức “bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình”. Từ đó, họ chung tay, góp sức với đơn vị bảo vệ bình yên cho những cánh rừng”.

 
 
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin

Đã gần chục năm kể từ ngày nhận bảo vệ rừng với VQG Chư Yang Sin, đôi chân của anh Y Ler Byă (buôn Đắk Tuar, xã Cư Pui) đã đi qua không biết bao nhiêu ngọn núi, khe suối, ngủ bao nhiêu đêm giữa những cánh rừng già. Anh Y Ler cho biết, năm 2013, nghe tin VQG Chư Yang Sin cho nhận khoán rừng, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình cả 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng nước và khoản tiền làm thuê ít ỏi theo thời vụ của mình, anh đã bàn với vợ đứng ra nhận khoán rừng nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Vợ chồng thống nhất, anh Y Ler hăm hở đi đăng ký nhận khoán rừng. Anh Y Ler không khỏi bất ngờ khi đến nơi đăng ký đã có rất nhiều bà con trong buôn cũng có mặt để làm thủ tục xin nhận khoán rừng. Sau khi được nghe cán bộ kiểm lâm phổ biến trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham bảo vệ rừng, anh Y Ler mạnh dạn nhận khoán quản lý, bảo vệ 28 ha rừng. “Trước đây, mình cứ nghĩ rừng rộng mênh mông, chặt đi vài cây hay phá vài khoảnh để lấy đất sản xuất cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Từ ngày tham gia bảo vệ rừng, được đi vào tận rừng sâu, nghe kiểm lâm Vườn phổ biến kiến thức mới biết diện tích rừng đang suy giảm từng ngày, phá rừng sẽ gây ra lũ lụt, hạn hán không chỉ cho người dưới xuôi mà ngay cả buôn làng mình cũng bị ảnh hưởng nữa”, anh Y Ler tâm sự.

Nói rồi, anh Y Ler chỉ về tay về con suối Đắk Tuar, nơi có dòng nước trong vắt chảy qua khe đá dưới bóng những cây rừng xanh tươi để giới thiệu và chứng minh cho lời mình vừa nói: “Đây là con suối Đắk Tuar mang nguồn nước đến cho buôn sinh hoạt, sản xuất - nó bắt nguồn từ sâu trong những cánh rừng của VQG Chư Yang Sin. Nếu không giữ được rừng thì nguồn nước này cũng sẽ mất, buôn làng sẽ không còn nước mà sử dụng”. Không chỉ tham gia tuần tra, anh Y Ler còn tích cực tuyên truyền cho bà con trong buôn về những lợi ích mà rừng mang lại cũng như tác hại của việc phá rừng. Việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng cho VQG Chư Yang Sin đã mang lại cho gia đình anh Y Ler khoảng 10 triệu đồng/năm, đây là khoản thu nhập lớn với một hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa như gia đình anh.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin trao đổi với người dân nhận khoán trong một chuyến tuần tra rừng

Không riêng gia đình anh Y Ler, cuộc sống của nhiều hộ dân trong buôn Đắk Tuar đã có sự thay đổi đáng kể từ khi tham gia bảo vệ rừng. Anh Y Phiêu Byă không giấu được vui mừng khoe mình vừa mua được một chiếc máy cày mới với giá gần 20 triệu đồng để phục vụ sản xuất từ tiền nhận khoán rừng. “Nhờ nhận khoán rừng mới có tiền để mua xe, chứ với mấy sào ruộng thì không bao giờ mua được”, anh Y Phiêu chia sẻ.

Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, hằng năm đơn vị giao khoán hơn 40.000 ha rừng cho khoảng 1.400 hộ dân của các huyện Krông Bông, Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) để đồng quản lý, bảo vệ. Việc giao khoán rừng góp phần giúp những người dân vùng đệm có thêm nguồn thu nhập; đồng thời tạo cho Vườn có thêm một lực lượng bảo vệ rừng không chuyên trách đông đảo, hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm của Vườn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Vạn Tiếp

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ