A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Có quản được chơi hụi?

07:58 | 06/04/2019

Việc khai báo khi mở dây chơi hụi là cần thiết, tuy nhiên, nếu không giám sát, kiểm tra chặt thì tỉ lệ khai báo sẽ không cao

Từ ngày 5-4, Nghị định 19/2019/NĐ-CP (Nghị định 19) của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định về nguyên tắc tổ hụi: điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút ra, văn bản thỏa thuận; thứ tự lĩnh, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi.

Chưa thể hiện rõ vai trò quản lý

Nghị định 19 ban hành được kỳ vọng sẽ đưa việc chơi hụi vào khuôn khổ quản lý, hạn chế các mặt tiêu cực làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Thực tế, nhiều vụ vỡ hụi thời gian qua lên tới cả trăm tỉ đồng khiến người tham gia điêu đứng. Điểm mới của Nghị định là chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp phường, xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.

Bị cáo Đinh Thị Thúy, 47 tuổi, bị TAND tỉnh Đồng Tháp phạt 13 năm tù vì lừa đảo 1 tỉ đồng của hụi viên Ảnh: CÔNG TUẤN

Như vậy, vai trò của UBND cấp phường, xã đã được gắn với việc "nắm bắt" thông tin chơi hụi của người dân trên địa bàn. Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Do - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - cho rằng nên để chính quyền địa phương biết các tổ chức chơi hụi để tiện quản lý. "Thực tế tại địa phương hụi đã xuất hiện từ nhiều năm nay, người dân chơi rất đông, thậm chí cán bộ xã cũng chơi. Đến khi vỡ nợ, chủ hụi ôm tiền tỉ bỏ trốn khiến nhiều người trắng tay. Còn chính quyền địa phương không thể xử lý được vì không có chế tài, luật cũng không cấm" - ông Do cho hay. Cũng theo ông Do, nếu có quy định quản lý việc này sẽ rất có lợi cho cả người chơi và người tổ chức. "Vừa qua ở xã có vụ vỡ hụi, người này, người kia cứ kêu mất cả trăm triệu, cả tỉ đồng nhưng chẳng có gì làm căn cứ. Bây giờ có cơ quan quản lý thì tiền bạc thế nào, góp vốn bao nhiêu thì sẽ rõ, qua đó hạn chế được tình trạng chơi hụi ảo với nhau dẫn tới vỡ hụi" - ông Do nói. Dù vậy, nghị định lần này cũng chỉ mới nêu nội dung khai báo với chính quyền địa phương chứ chưa thể hiện rõ vai trò quản lý, giám sát.

Nhiều người tham gia chơi hụi ở Nghệ An cho rằng không cần thiết phải khai báo. "Việc chơi hụi là thỏa thuận giữa một nhóm người với nhau, hoạt động theo hình thức tự thỏa thuận. Do vậy, việc thông báo cho chính quyền thì cũng phải làm rõ việc thông báo đó giúp ích gì cho người chơi hụi. Khi xảy ra vỡ hụi, chính quyền có chịu trách nhiệm gì không?" - bà Nguyễn Thị Phượng (trú phường Đông Vinh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đặt vấn đề.

Không đủ lực lượng giám sát

Băn khoăn với nội dung chủ hụi phải khai báo với chính quyền địa phương, luật sư (LS) Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết nếu chỉ khai báo mà không có quản lý, giám sát thì không mang nhiều ý nghĩa. "Việc khai báo là cần thiết nhưng chỉ là nắm thông tin, còn những hoạt động cụ thể tại dây hụi, diễn biến hoặc biến tướng thì vẫn rất khó kiểm soát. Hơn nữa, việc khai báo hay không còn phụ thuộc vào chủ hụi, vì UBND xã không thể kiểm soát, không đủ nhân lực để đôn đốc, giám sát từng nơi. Chơi hụi thuộc quan hệ dân sự, nên chính quyền cũng rất khó để can thiệp sâu" - LS Ứng nhấn mạnh.

LS Nguyễn Danh Huế (Đoàn LS TP Hà Nội) cũng nhìn nhận việc chơi hụi phải khai báo với chính quyền sẽ hạn chế rủi ro cho người chơi nhưng thách thức quản lý hình thức hụi là rất lớn đối với cơ quan có thẩm quyền. "Nhiều vụ vỡ hụi xảy ra, cơ quan có thầm quyền gặp khó khi xác minh sự việc, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý do thông tin người tham gia dây hụi được ghi chép sơ sài. Do đó, việc khai báo với chính quyền sẽ là một căn cứ về thông tin" - LS Huế nói. Vị LS này cho rằng việc khai báo sẽ có ý nghĩa nhất định nhưng quan trọng nhất vẫn là sự giám sát của chính quyền địa phương, tuy nhiên, điều này đặt ra những vấn đề về nhân sự, khả năng chuyên môn.

Ông Phạm Xuân Lực, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An, cho biết: "Mới đây, trên địa bàn xã cũng đã xảy ra một vụ vỡ hụi khiến hơn 100 người bị mất số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Việc chơi hụi là hoàn toàn tự phát, chính quyền không biết nên khi xảy ra vỡ hụi cũng không hỗ trợ gì nhiều cho người chơi. Nhưng việc tổ chức dây hụi phải thông báo cho chính quyền là rất cần thiết. Vì nếu có thông tin, chính quyền sẽ có những hướng dẫn, cảnh báo cũng như đề nghị cơ quan chức năng liên quan vào cuộc, ngăn chặn kịp thời khi có dấu hiệu vỡ hụi để hạn chế thiệt hại".

Các LS cho rằng bên cạnh biện pháp khai báo, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo với người dân các hình thức hụi biến tướng. Đối với người dân, khi chơi hụi cần có chọn lọc, tìm hiểu kỹ về chủ hụi, có thông tin rõ ràng, khi đóng hụi cần phải ghi chép, thỏa thuận để tránh rủi ro. 

Chủ hụi chấp nhận đi tù

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ vỡ hụi lớn khiến hàng trăm người rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng. Điển hình như xã Khánh Thành và Bảo Thành, huyện Yên Thành chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra hàng loạt vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Tại huyện Đô Lương, mấy chục hộ dân ở huyện này đã mất gần 24 tỉ đồng khi một chủ hụi tuyên bố vỡ nợ. Tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, hơn 100 hộ dân suốt 2 năm nay khốn khổ khi một chủ hụi trên địa bàn ôm hơn 10 tỉ đồng rồi tuyên bố không còn khả năng chi trả, chấp nhận ra tòa, nhận án tù, có trường hợp trốn biệt tích.

Minh Chiến - Đức Ngọc - Thanh Tuấn

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ