A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thị trường lao động: Cung - cầu còn "lệch pha"

09:27 | 08/04/2019

Doanh nghiệp thiếu lao động, thiếu hụt nguồn tuyển, trong khi số lao động chưa tìm được việc làm vẫn còn lớn - đó là tình trạng “lệch pha” về cung – cầu lao động hiện đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Cung - cầu chưa… gặp nhau

Doanh nghiệp (DN) hiện nay đang thiếu nhiều lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công việc ngay khi tuyển dụng… là phản hồi chung của nhiều đại diện DN về nhu cầu lao động tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TBXH) tổ chức.

Quý I năm 2019 có 455 DN, đơn vị cần tuyển dụng gần 9.300 lao động, trong đó làm việc trong tỉnh khoảng 2.000 lao động, làm việc ngoài tỉnh khoảng 6.400 lao động, xuất khẩu lao động 900 người. Trung tâm Dịch vụ việc làm đã giới thiệu việc làm cho 2.144 lượt người, số lao động có việc làm sau khi giới thiệu là 841 người (có việc làm trong tỉnh 794 người, ngoài tỉnh 39 người, có việc làm ở nước ngoài 8 người); cung ứng lao động cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh 15 người. Ngoài ra, tại hai phiên giao dịch việc làm tổ chức vào đầu năm 2019, số lao động được tuyển dụng trực tiếp và hẹn phỏng vấn là 588 người (trong đó 281 lao động được tuyển dụng trực tiếp). Qua đây cho thấy, mặc dù cả nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm đều khá cao, nhưng tỷ lệ người tìm được việc làm mới chỉ đạt hơn 10% so với nhu cầu tuyển dụng của các DN.

Đại diện doanh nghiệp trao đổi thông tin tuyển dụng với người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: “Những ngành nghề như may mặc, giày da, điện tử, điện – điện dân dụng, kinh doanh - bán hàng, xây dựng, điều dưỡng, cơ khí, công nghệ thông tin… có nhu cầu tuyển dụng lớn, các DN tuyển dụng ở nhiều phiên liên tục nhưng vẫn không đủ người. Ngược lại, một số ngành nghề như: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán thì nhu cầu tuyển không lớn nhưng số lượng lao động đến xin việc khá nhiều, chủ yếu là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, chưa có kinh nghiệm nên cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng”.

Lý giải nguyên nhân tình trạng thị trường lao động “vừa thiếu, vừa thừa”, ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho rằng, ở một vài thời điểm nhiều vị trí việc làm có nhu cầu tuyển lao động nhưng lại thiếu nguồn lao động; ngược lại nhiều lao động chưa qua đào tạo, hoặc đã qua đào tạo, song chưa đáp ứng được yêu cầu của DN nên cũng chưa tìm được việc làm. Mặt khác, người lao động cũng mong muốn nhất định về việc làm, đòi hỏi mức lương, đãi ngộ tương đối cao, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đôi lúc gặp khó khăn, có xu hướng cắt giảm lương thưởng và chế độ đãi ngộ, do vậy cung - cầu lao động càng khó gặp nhau.

Cần có sự kết nối chặt chẽ

Để thúc đẩy thị trường lao động của tỉnh phát triển đồng bộ, tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động, theo ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH, điều đầu tiên, mang tính chất quyết định là phải kết nối chặt chẽ giữa cung – cầu; trong đó Trung tâm Dịch vụ việc làm đóng vai trò quan trọng là "cầu nối" giữa DN và người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo môi trường thuận lợi, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập DN, phát triển kinh tế để tạo thêm việc làm mới, thu hút người lao động đến làm việc. Đồng thời cần có các giải pháp hỗ trợ khác như: giao chỉ tiêu giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho địa phương để nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt ở cấp cơ sở; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề với quy mô, ngành nghề, cơ cấu đào tạo hợp lý để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ cho vay vốn duy trì, mở rộng và tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; tạo điều kiện thuận lợi cho DN có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến các địa phương trong tỉnh để tư vấn, tuyển lao động đi xuất khẩu lao động…

Năm 2019, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 29.000 lao động; tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 40.000 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 15.700 lượt lao động.

Được biết để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, 37 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo; tích cực kết nối với các DN trong và ngoài tỉnh đưa học sinh, sinh viên đi thực tập sản xuất, giới thiệu việc làm; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT và tại dân cư nhằm nắm bắt thông tin, lựa chọn ngành nghề thích hợp.

Người lao động tìm hiểu thông tin tại một phiên giao dịch việc làm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã có nhiều hoạt động kết nối giữa DN và địa phương, DN với người lao động như: tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền về xuất khẩu lao động; nói chuyện chuyên đề về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm về giao tiếp, phỏng vấn, thuyết trình, nói chuyện trước đám đông... cho người lao động; chủ động thu thập, khai thác, tiếp nhận thông tin về nhu cầu tuyển dụng cũng như cung cấp thông tin thị trường lao động cho các đơn vị, DN và người lao động...

Lan Anh

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ