A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tiếp sức cho phụ nữ biên cương

14:36 | 18/04/2019

Sau hơn 1 năm triển khai, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã trở thành chương trình vô cùng thiết thực, tạo sức lan tỏa rộng lớn,...

...nhận được sự chung tay hỗ trợ của đông đảo cộng đồng, giúp đỡ những phụ nữ nghèo vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.

Nhiều hình thức "tiếp sức"

Gia đình chị Hồ Thị Cẩm Trang, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp được nhận bàn giao nhà mới vào cuối năm 2018. Không có đất sản xuất, bản thân sức khỏe yếu nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, chị Trang chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện sẽ xây dựng một căn nhà vững chãi. Nhiều năm qua, gia đình chị phải sống tạm bợ trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp nghiêm trọng nên khi được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố hơn, chị Trang xúc động tâm sự: “Là một trong những phụ nữ đầu tiên được thụ hưởng từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tôi hết sức cảm ơn sự quan tâm của Hội Phụ nữ cũng như chính quyền địa phương. Có ngôi nhà vững chãi, tôi cũng yên tâm hơn để lao động sản xuất, thoát nghèo”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hương trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn

Thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Hội Phụ nữ Công an tỉnh cũng đã phối hợp với Công an huyện Ea Súp, các mạnh thường quân tổ chức chuỗi hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở tại xã Ia R’vê, huyện Ea Súp. Các đơn vị tổ chức tuyên truyền chiếu phim phóng sự về tội phạm hoạt động "tín dụng đen" và trang bị cho chị em những kiến thức quan trọng có liên quan đến loại tội phạm này cũng như tội phạm buôn bán người qua biên giới, kiến thức về phòng chống bạo hành phụ nữ và trẻ em, về vấn đề phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường đối với trẻ em... Đồng thời, trao tặng 64 phần quà cho các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trao vốn khởi sự kinh doanh cho 6 hộ gia đình, tặng 5 xe đạp cho các em học sinh vượt khó học giỏi với tổng kinh phí 60 triệu đồng.

Để tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo, Hội LHPN tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp cũng phối hợp tổ chức dạy nghề may dân dụng miễn phí cho 35 hội viên phụ nữ xã Ia Lốp. Sau 3 tháng theo học, các học viên đã được cấp chứng chỉ nghề, trong đó một số chị đã xin được việc làm tại những cơ sở may gia công trên địa bàn tỉnh và một số tự mở nghề may tại nhà, có thêm thu nhập trang trải chi tiêu trong gia đình.

Bác sĩ khám bệnh cho hội viên phụ nữ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Tiếp tục đồng hành

Để triển khai hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trong năm 2018, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đến tất cả các cơ sở Hội trong toàn tỉnh. Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc nhắn tin ủng hộ chương trình, Hội Phụ nữ các cấp còn vận động hội viên, phụ nữ và cộng đồng hưởng ứng hoạt động nhắn tin qua các cuộc họp, sinh hoạt, các sự kiện do Hội và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức. Kết thúc đợt phát động đầu tiên, toàn tỉnh đã có 5.099 tin nhắn ủng hộ chương trình.

 

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động nhằm huy động sự tham gia của các cấp Hội Phụ nữ và người dân cả nước hướng về các xã biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Tại Đắk Lắk, chương trình tập trung hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn tại 4 xã Ia R’vê, Ia Lốp, Ea Bung (huyện Ea Súp) và Krông Na (huyện Buôn Đôn).

Ngoài ra, Hội còn phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 800 chị; nhận đỡ đầu 1 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức trợ cấp 500.000 đồng/tháng; trao tặng 6 nhà “Mái ấm biên cương” cho phụ nữ nghèo; trao vốn khởi nghiệp cho 18 hội viên. Một trong những hoạt động ghi dấu ấn, thể hiện sự sáng tạo của Hội LHPN tỉnh là việc phối hợp với Bưu điện để bán hàng, huy động nguồn xã hội hóa gây quỹ hoạt động cho chương trình được hơn 3,8 tỷ đồng.

Thời gian tới, căn cứ kết quả khảo sát trực tiếp thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ tại các địa bàn biên giới, các cấp Hội ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương. Trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, xóa mù chữ, vận động trẻ em bỏ học quay trở lại trường; hướng dẫn phụ nữ phát triển kinh tế; phòng, chống mua, bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; chung tay xóa bỏ bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội, phong tục tập quán lạc hậu; vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Vân Anh

,

 

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ