A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đi qua vùng hạn hán... (Kỳ cuối)

09:25 | 27/04/2019

Kỳ cuối: Giải pháp nào để “sống chung” với hạn?

Trước tình hình hạn hán diễn ra phức tạp và dự báo lâu dài, việc tìm giải pháp ứng phó với khô hạn luôn là vấn đề cấp thiết. Trong hoàn cảnh đó, nhiều nông dân đã linh hoạt ứng dụng khoa học kỹ thuật để “sống chung” với hạn…

Chọn cây trồng phù hợp

Trên địa bàn tỉnh, cà phê là cây trồng chủ lực và cũng là cây cần lượng nước tưới nhiều. Chính vì vậy, việc chọn giống có khả năng chống chọi với hạn tốt, cho năng suất, chất lượng cao luôn được đặt lên hàng đầu. Bên vườn cà phê vừa tái canh xanh tốt của mình, ông Y Dhơn Duôn Du (buôn Tring 3, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cho biết: Trước đây gia đình ông trồng cà phê giống thực sinh. Năm nào cũng vậy, mới vào đầu mùa khô là cây đã bắt đầu “say” nắng, cành lá ủ rũ thiếu sức sống. Ông phải tưới từ 3 - 4 đợt nước cây mới “hoàn hồn”, song năng suất chỉ đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha. Thấy không ổn, năm 2008, ông bắt tay tái canh 1,5 ha. Ba năm sau, vườn cây cho quả bói, sản lượng thu hoạch các năm về sau đạt từ 3 - 4,5 tấn/ha.

Không chỉ năng suất tăng, điều ông Y Dhơn nhận thấy rõ rệt nhất là khả năng chịu hạn rất tốt. Điển hình năm 2016, khô hạn đạt mức đỉnh điểm, ông tưới nước đều cho cả vườn cà phê thực sinh và cà phê ghép tái canh nhưng cây thực sinh vẫn bị khô héo đến mức không có khả năng phục hồi, còn giống ghép vẫn chống chọi với hạn tốt.

Ông Y Dhơn Duôn Du (phường An Lạc, TX. Buôn Hồ) tái canh giống cà phê ghép TR4 và TR9 cho năng suất cao, chịu hạn tốt

 

"Việc lựa chọn cây trồng phù hợp với từng loại đất, điều kiện khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt như hiện nay".

 
Ông Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Theo ông Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, ra hoa kết trái, quyết định đến năng suất, chất lượng cây trồng. Vì vậy những năm qua, Viện đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại giống cây trồng mới cho năng suất cao, chịu hạn tốt.

Ông Phan Việt Hà cho biết thêm, mới đây Viện đã nghiên cứu thành công hai giống cà phê mới là TR14, TR15 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống sản xuất thử. Kết quả thử nghiệm bước đầu của hai giống cây mới này cho thấy tiết kiệm được 1 lần tưới so với các giống cà phê đại trà, năng suất đạt từ 5 - 6 tấn/ha. Dự kiến, đến năm 2020, hai giống cà phê mới này sẽ được phổ biến rộng rãi trên thị trường.

Sử dụng nước tiết kiệm

Cùng với việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp thì một trong những giải pháp được quan tâm hàng đầu chính là sử dụng nước tiết kiệm, đặc biệt là trong sản suất nông nghiệp. Theo khảo sát, đa số người nông dân vẫn đang chủ yếu sử dụng phương pháp tưới dí gốc cho cây trồng, đặc biệt là cà phê, hồ tiêu và cây ăn trái. Kỹ thuật này tuy ít tốn chi phí đầu tư nhưng lại tốn nhân công và tốn rất nhiều nước.

Ông Trần Ngọc Nguyên (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm

Ý thức được việc này, ông Trần Ngọc Nguyên (thôn Hòa Nam 2, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho 7 sào hồ tiêu của gia đình mình. Ông Nguyên chia sẻ: Trước đây chủ yếu tưới thủ công, cho nước chảy tràn trên bề mặt gốc dẫn đến việc thất thoát nước, tốn nhiều công tưới và xói mòn đất. Năm 2015, ông đầu tư hơn 20 triệu đồng mua máy bơm, van điều khiển, hệ thống dây dẫn về lắp đặt hệ thống tưới phun mưa. Mỗi lần tưới, ông chỉ cần bật cầu dao là mọi công đoạn được thực hiện đồng bộ, nước phun đều đến gốc cây chứ không cần phải vất vả kéo vòi khắp vườn như trước. Mỗi tuần ông tưới nước 2 lần, mỗi lần 2 tiếng (tương đương 50 lít nước/gốc). Phương pháp này không chỉ tiết kiệm nước, công tưới mà còn có thể bón phân, hòa thuốc bảo vệ thực vật thông qua hệ thống tưới. Nhờ vậy, vườn tiêu luôn xanh tốt, ít bị bệnh, năng suất ổn định.

Cùng với việc khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng tiết kiệm nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích nông dân cắt giảm nước tưới cây hằng năm để ưu tiên nước tưới cho cây công nghiệp lâu năm; sử dụng biện pháp tủ gốc chống bốc hơi nước; tận dụng các nguồn nước trên địa bàn để bơm chống hạn... Với cây ngắn ngày như lúa, hoa màu, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với nguồn nước trên địa bàn; chuyển đổi lúa nước sang cây trồng cạn đối với các vùng khó khăn về nguồn nước; tạm dừng sản xuất với diện tích không đảm bảo nguồn nước tưới; thực hiện gieo sạ tập trung đúng lịch thời vụ; không cấp nước tưới đối với diện tích sản xuất không theo kế hoạch (không đủ nước tưới đến cuối vụ gây lãng phí nước)...

Thùy Duyên - Huỳnh Thủy

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ