A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển BHXH tự nguyện: Nhìn từ điểm sáng Ea M'Đoal

15:27 | 22/05/2019

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, xã Ea M’Đoal (huyện M'Đrắk) còn tiết kiệm nguồn chi ngân sách địa phương để hỗ trợ lực lượng công an viên và thôn đội trưởng trên địa bàn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện.

Từ đó đẩy mạnh việc tham gia BHXH tự nguyện của người dân địa phương.

Xã tiết kiệm chi hỗ trợ dân đóng BHXH          

Được xã hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách địa phương, tháng 5 này anh Hoàng Văn Thế, thôn đội trưởng thôn 7, xã Ea M’Đoal đã chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Anh Thế cho biết: “Mức phụ cấp chỉ vỏn vẹn 860.000 đồng/tháng cộng với thu nhập của nhà nông không mấy dư giả nên thời gian qua tôi chưa có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Mới đây xã có quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho lực lượng công an viên và thôn đội trưởng của các thôn tham gia BHXH tự nguyện, tôi đã tự tin tham gia loại hình bảo hiểm này. Sự quan tâm của chính quyền địa phương giúp tôi yên tâm gắn bó và có trách nhiệm hơn với công việc của mình”.

Cán bộ BHXH huyện M'Đrắk tuyên truyền cho người dân xã Ea M'Đoal về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.

Không chỉ anh Thế, trước đó vào tháng 4-2019, toàn xã Ea M’Đoal đã có 20 công an viên và thôn đội trưởng tham gia đóng BHXH tự nguyện với mức đóng thực tế tùy điều kiện của từng người, trong đó xã hỗ trợ một phần chi phí cố định (98.000 đồng/người/tháng) trích từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách địa phương.

Theo ông Chu Minh Thanh, Chủ tịch UBND xã Ea M’Đoal, trên thực tế, hằng tháng công an viên và thôn đội trưởng không được hưởng bất kỳ chế độ an sinh xã hội nào khác ngoài khoản phụ cấp ít ỏi, trong khi họ là lực lượng nòng cốt giữ gìn trật tự trị an ở các khu dân cư, tham gia các hoạt động tuần tra canh gác, đấu tranh phòng chống tội phạm nên có rủi ro cao. Vì thế, sau khi có sự tham mưu của bộ phận tài chính, lãnh đạo xã đã họp bàn và thống nhất hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho lực lượng này từ nguồn tiết kiệm chi, mặc dù địa phương là xã nghèo, mức thu ngân sách không đáng kể. Việc hỗ trợ này được xem như sự động viên để lực lượng công an viên và thôn đội trưởng hoàn thành nhiệm vụ; giúp họ có nguồn thu nhập ổn định về sau từ lương hưu hằng tháng. Từ mức chi thường xuyên được giao mỗi năm là 300 triệu đồng, xã dự kiến tiết kiệm một số khoản chi để trích khoảng 20 triệu đồng thực hiện việc hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho 16 công an viên và 10 thôn đội trưởng trên địa bàn.

Tuyên truyền tốt, hiệu quả cao

Cùng với việc hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện, UBND xã Ea M’Đoal còn phối hợp với BHXH huyện M’Đrắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền ngay tại UBND xã để cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc cho người dân về BHXH tự nguyện.

Ông Trần Đình Sơn, cán bộ kế toán xã, người đã có thâm niên làm đại lý thu BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) xã Ea M’Đoal chia sẻ: “Để chính sách BHXH tự nguyện có tính hấp dẫn, hướng tới mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân, chúng tôi luôn đẩy mạnh tuyên truyền, nói rõ quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện để người dân hiểu được rằng bây giờ mình tích cóp một khoản tiền nhỏ mỗi tháng đến khi lớn tuổi sẽ được hưởng chế độ lương hưu hằng tháng, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đồng thời, tham gia BHXH, người dân cũng sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi, nhất là sẽ được cấp BHYT sau khi xã ra khỏi danh sách xã vùng 3 theo Chương trình 135”.

"Mưa dầm thấm lâu", cách tuyên truyền đúng và trúng của các đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn xã đã  thu hút nhiều người dân địa phương tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã đã vận động được trên 30 người dân (không thuộc các đối tượng được hỗ trợ) tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia trên địa bàn đến thời điểm này là 90 người.

Đơn cử như trường hợp của vợ chồng anh Phạm Hồng Việt, chủ cơ sở cửa sắt và sửa chữa xe máy ở thôn 6, xã Ea M’Đoal. Chị Hồ Thị Thảo, vợ anh Việt từng là công nhân lao động của Công ty TNHH MTV Cà phê 715 C, đã tham gia BHXH bắt buộc 12 năm. Khi nghỉ việc ở Công ty, thông qua vận động của cán bộ làm công tác BHXH ở địa phương, chị Thảo tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đến tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu. Mới đây, chị Thảo tiếp tục động viên chồng tham gia BHXH tự nguyện để về già cả hai vợ chồng cùng có lương hưu, đỡ phải vướng bận mưu sinh.

Hay như trường hợp của vợ chồng chị Trần Thị Thương, dù là một trong những hộ nghèo của thôn nhưng vẫn tham gia BHXH tự nguyện để lo cho tương lai. Chị Thương chia sẻ: “Mới đây vợ chồng tôi có dự hội nghị tuyên truyền ở xã, được truyền đạt các nội dung thông tin về BHXH tự nguyện nên cũng nhận thức đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, chồng tôi làm thôn đội trưởng lại được xã hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện hằng tháng, cộng thêm chính sách ưu đãi cho hộ nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, tôi đã đăng ký tham gia đóng BHXH cho cả hai vợ chồng, thời gian đầu đóng ở mức thấp, khi kinh tế khá giả thì sẽ mua mức cao hơn”.

Kim Oanh

 

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ