A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trời mưa - đất chịu

07:45 | 05/06/2019

Thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra tại nước ta ước tính đến nay đã là 3.600 tỉ đồng, chủ yếu gồm chi phí hỗ trợ heo tiêu hủy và tiền mua hóa chất sát trùng...

Đó mới chỉ là con số tạm tính và định lượng được, còn những thiệt hại vô hình khác nữa. Gánh nặng tổn thất ngày càng chất chồng, chưa biết bao giờ ngành chăn nuôi trong nước và hàng triệu hộ nuôi heo mới gượng dậy được.

Kể từ ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại Việt Nam khởi phát ở Hưng Yên vào đầu tháng 2, tới nay, chỉ sau 4 tháng, dịch đã lan ra tới 52/63 tỉnh, thành. Phạm vi này chưa dừng lại, đồng nghĩa rằng số lượng heo tiêu hủy sẽ lớn hơn 2,2 triệu con (130.000 tấn) tạm tính đến ngày 4-6. Một số địa phương đã bắt đầu chi ngân sách để hỗ trợ người nuôi, tốn kém lắm nhưng phải cắn răng mà chịu, như Nam Định ước chi 450 tỉ đồng trong khi quỹ dự phòng của tỉnh là 100 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh này kể họ đã "phải phát sốt lên vì chưa bao giờ nhìn thấy thiệt hại như vậy, kể cả mưa bão, thiên tai". Còn ngành nông nghiệp TP Hà Nội cho biết địa phương này đang áp dụng hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ: không dưới 38.000 đồng/kg.

Như vậy, thực tế cho thấy mức độ lây lan và thiệt hại của dịch tả heo châu Phi gần như đi ngược lại với nỗ lực kêu gọi, chỉ đạo phòng chống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mà tại sao như vậy? Do phương pháp sai hay vì sự chủ quan của các địa phương? Chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi hôm 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thẳng những vấn đề nói trên ra để mổ xẻ, bàn bạc và chỉ đạo: "Phòng, chống dịch phải như chống giặc"!

Nhưng diễn biến cho thấy đã xảy ra tình trạng có dịch rồi mới chống, tức là khâu phòng thủ đã bị lơ là. Khi thất thủ thì cam chịu và tổn hại thì đã có nguồn tiền ngân sách trang trải, hỗ trợ. Phải chăng bầu sữa ngân sách và cơ chế sử dụng công quỹ trong lĩnh vực này như hiện nay đã vô hình trung hình thành lối tư duy trong đội ngũ cán bộ chuyên trách, đó là "trời mưa - đất chịu", làm cho hiệu quả chống dịch không đạt được yêu cầu.

Đấy chẳng phải trường hợp cá biệt. Vụ việc cả ngàn tấn cá lồng bè chết trắng sông La Ngà (Đồng Nai) vừa xảy ra cũng vậy. Năm ngoái cá chết 2.000 tấn, nhà chức trách kết luận nguyên nhân là do "ô nhiễm hữu cơ" (sau mưa lớn) rồi chi hàng chục tỉ đồng từ ngân sách ra hỗ trợ người nuôi. Năm nay cá lại chết, cũng với lý do đó - theo cơ quan chuyên môn địa phương (nguyên nhân cuối cùng hiện chưa được kết luận) và sắp tới sẽ phải lấy tiền nhà nước để giúp dân. Người nuôi cá đâu ai mong bị thiệt hại để nhận hỗ trợ! Họ muốn nhà chức trách tìm ra nguyên nhân và từ đó có giải pháp phòng tránh. Thế nhưng, tình hình chẳng được cải thiện, người nuôi cá không thoát được thảm kịch tái diễn trên sông La Ngà.

Một số tập thể, cá nhân có trách nhiệm nếu còn suy nghĩ những việc công - ví dụ như chống dịch tả hay ngăn chặn cá nuôi chết đồng loạt - là chuyện chung của thiên hạ, chẳng đụng đến bữa cơm nhà mình nên chỉ làm chiếu lệ, chủ yếu hô hào suông thì đó chính là sự bất hạnh của dân chúng, cũng là ung nhọt cần phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể nhà nước. 

A.Q

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ