A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Rào cản ví điện tử

09:22 | 07/06/2019

Trên thực tế, việc chi dùng mua sắm không dùng tiền mặt được hình thành từ một đề án đã có những kết quả bước đầu, nhưng rào cản lớn nhất của đề án này được chỉ ra là do thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng.

Dù sự gia tăng các dịch vụ ngân hàng số giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với phương thức thanh toán phi tiền mặt ngày càng nhiều, song thiếu sự liên thông giữa các cơ quan về cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin thanh toán lại là điều khiến người sử dụng chẳng mấy an tâm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cả nước hiện có 29 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử như MoMo, Airpay, ZaloPay, Vimo, VTCPay, Ví Việt, SenPay, Ví TrueMoney... và khoảng 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử. Dữ liệu thống kê cũng cho biết tính đến cuối năm 2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng. Cuộc đua giành thị phần ví điện tử đã khiến cho các nhà cung cấp chạy đua tung khuyến mãi, dẫn đến một cá nhân mở nhiều ví điện tử, có nhiều ví ảo ra đời cũng như các hành vi lợi dụng.

Và tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 về dịch vụ trung gian thanh toán đang được NHNN lấy ý kiến. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia và người dân đó là quy định hạn mức thanh toán với giao dịch ví điện tử. Theo đó, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; đối với tổ chức, tổng hạn mức giao dịch tối đa là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.

Đưa ra hạn mức trên, NHNN lý giải nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng ví điện tử là không thực chất hoặc lợi dụng mở nhiều ví điện tử để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp. Đồng thời, việc quy định hạn mức cũng phù hợp với mục đích sử dụng ví điện tử là kênh phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ lẻ.

Thừa nhận rằng, trung gian thanh toán là hoạt động có liên quan đến hoạt động ngân hàng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. Chính vì vậy, khi cơ quan quản lý là NHNN quy định chặt về việc mở tài khoản, sẽ phần nào giám sát được hoạt động của các công ty này, đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh, giữ an ninh, chủ quyền tiền tệ quốc gia, phòng, chống rửa tiền…    

Tuy nhiên, quy định này đang khiến các doanh nghiệp ví điện tử băn khoăn và người tiêu dùng lo lắng. Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho rằng không nên giới hạn mỗi người dân chỉ mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Mỗi ví điện tử có một công dụng và ưu điểm khác nhau, như Ví Việt ưu điểm về gửi tiết kiệm, Viettel Pay về thanh toán truyền hình…

Trong khi đó ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty M-Service (đơn vị cung cấp ví điện tử MoMo) cũng đưa ra quan điểm không nên áp dụng hạn mức giao dịch đối với đối tượng doanh nghiệp. Vì thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu chi những khoản tiền nhỏ cho hàng chục nghìn nhân viên. Hoạt động của họ đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển người dùng cá nhân của ví điện tử. Do vậy, quy định về hạn mức giao dịch đối với doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và sự phát triển của lĩnh vực ví điện tử.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng việc cơ quan nhà nước lo ngại lãng phí, mở ví tràn lan, sử dụng ví không thực chất là không cần thiết. Các DN và khách hàng sẽ tự đánh giá được sự lãng phí hay cần thiết của việc mở thêm ví mới. Việc tách thành nhiều ví điện tử hoặc nhiều tài khoản thanh toán sẽ phù hợp với nhu cầu của một số khách hàng có nhiều giao dịch và muốn hạch toán riêng từng nhóm giao dịch.

VCCI dẫn ví dụ, một cá nhân kinh doanh có một ví dành cho chi tiêu cá nhân và một ví dành cho hoạt động kinh doanh; hoặc một số DN cần tách bạch chi phí cho nhân viên, chi phí hoặc doanh thu cho đại lý bán lẻ, hoặc chi phí cho từng chương trình khuyến mãi…VCCI cho rằng không nên giới hạn số lượng và mức giao dịch của ví điện tử.

Trong khi đó chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên nhanh chóng, tiêu dùng ngày càng nhiều thì hạn mức tiêu dùng cho ví điện tử cũng trở nên lớn hơn.

Hồ Hương

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ