A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huyện M'Đrắk: Chuyển biến trong công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số

14:23 | 10/06/2019

Huyện M’Đrắk hiện có 8.076 hộ dân tộc thiểu số (gồm 16 dân tộc anh em) với trên 38.000 nhân khẩu, chiếm 48,61% dân số toàn huyện.

Trong những năm qua, huyện M’Đrắk đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tình hình, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương trong huyện để công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả.

Địa phương đã ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), hỗ trợ phát triển sản xuất các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, bằng các nguồn vốn, huyện đã đầu tư hơn 345 tỷ đồng thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng dân tộc và miền núi; trong đó, trên 68 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa 118 công trình đường giao thông, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trường, lớp học…; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 1.135 hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Huyện cũng đã hỗ trợ cấp 222.366 kg lúa, ngô giống; 11.664 cây sầu riêng, bơ booth; 11.499 con gà, ngan; 224.992 kg muối I-ốt và trên 100 triệu đồng... cho 24.082 hộ nghèo; tổ chức 20 lớp dạy nghề cho 542 lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số; cấp 94.346 thẻ bảo hiểm cho người dân tộc thiểu số…

Đường giao thông ở buôn Hoang, xã Krông Jing do Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư xây dựng

Việc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc đã tạo nên nhiều thay đổi rõ nét tại các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. 100% số xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 100% thôn, buôn có điện; 100% thôn, buôn có đường giao thông cho xe gắn máy đến trung tâm xã...

Đặc biệt, sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Như gia đình ông Y Lú Niê (dân tộc Êđê, ở buôn M’lốc B, xã Krông Jing) từng là hộ nghèo, cuộc sống luôn trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Cả gia đình với 9 khẩu sống trong ngôi nhà sàn đã dột nát, ông Y Lú phải xoay xở đủ nghề mà vẫn không đủ ăn.

Được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, gia đình ông Y Lú có tiền đầu tư mua bò, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi bán công nghiệp, mua giống lúa, phân bón để cải thiện năng suất cây trồng... Bên cạnh đó, ông Y Lú còn được địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, đời sống của gia đình ông từng bước được cải thiện, dần có của ăn, của để. Đến nay, gia đình ông Y Lú có đàn bò chu chuyển từ 6 - 9 con, kinh tế ngày càng ổn định; ông đã sửa sang được nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà, thoát nghèo bền vững.

Ông Y Lú Niê (ở buôn M’Lốc B, xã Krông Jing) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Hay như chị H'Yuăn Niê (buôn Đắk, xã Cư Mta), thu nhập được cải thiện rõ rệt từ khi chị được tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trước đây, gia đình chị H’Yuăn vẫn chăn nuôi theo tập quán cũ của người Êđê, vật nuôi thả rông, không có chuồng trại, thức ăn là cây cỏ dại... nên hiệu quả chưa cao, vật nuôi thường xuyên bị dịch bệnh. Sau khi tham gia lớp học nghề về chăn nuôi heo, chị H'Yuăn mua 4 con heo giống về nuôi, gia cố chuồng trại, áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp và chủ động phòng ngừa bệnh cho heo. Nhờ vậy, đàn heo của gia đình chị phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với chị H'Yuăn, 35 chị em khác ở buôn Đắk tham gia lớp học nghề cũng đã áp dụng hiệu quả kiến thức được đào tạo vào chăn nuôi ở hộ gia đình. Đến nay, gia đình nào cũng nuôi từ 2 con heo trở lên, thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế khá giả…

Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2018, huyện M’Đrắk có 3.749 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 57,36% tổng số hộ nghèo, 46,42% tổng số hộ dân tộc thiểu số); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân mỗi năm 7,59%, vượt trên 2%/năm so với chỉ tiêu nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện đề ra (5,5%/năm).

Thu Nguyệt

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ