A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vựa hồ tiêu Gia Lai vỡ trận: Trên nói một đằng, dưới làm một nẻo?

15:42 | 19/06/2019

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú vừa ký công văn 2578/NHNN-TD về việc tháo gỡ khó khăn đối với các hộ trồng tiêu tại tỉnh Gia Lai.

Công văn của NHNN Việt Nam.

Công văn gửi đến UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, NHNN chi nhánh Gia Lai và các ngân hàng thương mại (gọi tắt là tổ chức tín dụng- TCTD).

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại, NHNN Việt Nam đề nghị các TCTD rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại của khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng.

Các TCTD căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác, bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu lãi sau... nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi SX kinh doanh.

Ngoài ra, các TCTD chỉ đạo chi nhánh trên địa bàn phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, TP và chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ, bám sát tình hình khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho người vay. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo NHNN Việt Nam để xem xét, xử lý theo quy định...

Ngoài ra, tại công văn số 73/GLA-THNS&KSNB ngày 19/1/2018 do ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai ký còn yêu cầu các TCTD và cơ quan chức năng hạn chế việc khởi kiện, cưỡng chế thu nợ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Nông dân khóc ròng vì cây hồ tiêu.

Chỉ đạo của NHNN Việt Nam rành rành là vậy, tuy nhiên trên thực tế lại trái ngược. Theo chị Lương Thị Bích Phượng (SN 1977, trú thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), sau khi hồ tiêu chết, rớt giá, gia đình chị nợ Ngân hàng TMCP An Bình 4,6 tỷ đồng. Ba năm nay, vợ chồng chị sau khi bán hầu hết số trụ gỗ trong vườn, rải đủ thứ nông sản ngắn ngày lên rẫy cũng không đủ nuôi ba đứa con ăn học, chứ đừng nói gì đến món lãi hơn 40 triệu đồng/tháng.

Không muốn các con thất học, chị Phượng đành một thân một mình vào miền Nam làm công nhân cho một công ty đông lạnh với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Mới đây, khi chị Phượng về nhà ăn đám giỗ ông bà thì lập tức nhận được trát hầu tòa.

"Thời điểm vay số tiền trên, vợ chồng tôi thế chấp 13 bìa đỏ đất nông nghiệp. Vợ chồng tôi không phải là không muốn trả nợ mà cho dù ngân hàng có phát mãi hết 13 miếng đất trên cũng không đủ trả một phần nhỏ khoản vay, vẫn phải mang nợ trong khi mấy đứa nhỏ rồi sẽ chẳng biết nương náu chốn nào. Tôi nghe nói NHNN đã có chính sách cứu nông dân hồ tiêu rồi mà sao thực tế lại không phải như vậy", chị Phượng than thở.

Đau đầu hơn là gia đình bà Lê Thị Vui (SN 1957, trú thị trấn Nhơn Hòa). Sau khi tiêu chết,  bà nợ ngân hàng 4 tỷ đồng. Ngày 20/6/2018, gia đình bà sau khi bán đi nhiều tài sản đã trả ngân hàng được 900 triệu đồng tiền gốc, 167 triệu đồng tiền lãi. Theo đó, gia đình bà còn nợ 3,1 tỷ đồng, ngày đến hạn là 8/5/2023.

Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, ngân hàng liên tục gửi giấy báo nợ quá hạn cho gia đình bà Vui, yêu cầu vợ chồng bà lên vay thêm một món mới, sau đó ngân hàng sẽ giữ lại để thanh toán cho khoản tiền lãi, nếu không sẽ bị đưa ra tòa. "Tiền nợ cũ chưa trả nổi, giờ đây lại bắt vay thêm món mới thì làm sao mà gia đình tôi dám. Ngân hàng trung ương đã chỉ đạo rồi mà sao ở địa phương lại làm kỳ cục vậy", bà Vui thắc mắc.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, trên địa bàn có hơn 5.547 ha hồ tiêu bị chết vì bệnh, dịch với 32.278 hộ. Bên cạnh đó, giá tiêu tụt thê thảm khiến nhiều hộ dân vay tiền trồng loại nông sản này không có khả năng trả nợ, đã rời khỏi địa phương đi làm ăn xa để trốn nợ.

Theo NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân vay trồng tiêu là trên 4.300 tỉ đồng với hơn 26.000 hộ vay, trong đó có khoảng 2.200 tỉ là nợ xấu.

TÙY PHONG

    Nguồn: “nongnghiep.vn”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ