A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Về quê lập nghiệp

09:18 | 29/06/2019

Sau gần 10 năm làm lái xe rong ruổi trên các cung đường từ Nam chí Bắc, tuy có thu nhập cao hơn một số ngành nghề khác nhưng cuộc sống không ổn định nay đây mai đó với những bữa cơm thất thường nên đầu năm 2018,...

... anh Nguyễn Duy Hiền quyết định bỏ nghề, về lập nghiệp tại quê hương thôn 9, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông).

Thế nhưng, nơi anh Hiền sinh ra và lớn lên là một vùng quê nghèo thuần nông; sau những ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đến tháng nông nhàn, thanh niên chẳng biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Anh Hiền trăn trở suy nghĩ và nảy ra ý tưởng mở xưởng may gia công vừa để kiếm sống vừa tạo công ăn, việc làm cho người dân quê. Anh Hiền bàn bạc với người thân trong gia đình, với hy vọng sẽ được mọi người đồng thuận… Tuy nhiên, ban đầu khi nghe ý tưởng của anh, ai cũng tỏ ra lo lắng bởi vì từ trước đến nay anh chỉ chuyên cầm vô lăng, chưa biết gì về may vá cũng như làm quản lý, hơn nữa để mở được một xưởng may gia công “bài bản” cần phải có vốn liếng, nhà xưởng, máy móc, nguyên vật liệu, nhân công, rồi đến “đầu vào, đầu ra” cho sản phẩm.

Anh Hiền kiểm tra hàng tại dây chuyền may quần kaki.

Không phải là người dễ bỏ cuộc, anh Hiền quyết tâm biến khó khăn thành động lực. Anh vào TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ những chủ hàng trước đây từng quen biết để ký kết hợp đồng gia công. Khi có được hợp đồng trong tay, anh thuyết phục cha mẹ cho mượn tạm ngôi nhà đang ở làm nhà xưởng; vay mượn thêm vốn cùng số tiền tích cóp được đầu tư mua 1 dây chuyền may gia công gồm 25 máy may. Anh cũng nhờ người chị ruột từng làm công nhân may ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ đào tạo tay nghề…

Mở được xưởng may rồi vẫn chưa hết những khó khăn. Anh Hiền chia sẻ: Ngoài thiếu vốn thì khó nhất là người lao động phần lớn chỉ quen với công việc đồng áng, không bị ràng buộc thời gian lao động, nay vào sản xuất theo dây chuyền phải tuân thủ giờ giấc, kỷ luật lao động nên chưa quen. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển rất cao, trung bình mỗi tháng phải chi phí từ 50 - 60 triệu đồng…

Nhưng rồi những cố gắng của anh Hiền cũng được đền đáp, sản phẩm làm ra giao đúng hợp đồng, ngày càng tạo được chữ tín. Tuy vẫn bộn bề khó khăn nhưng để đáp ứng yêu cầu của phía bên đặt hàng, anh bàn bạc với vợ thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng xây dựng nhà xưởng và mua thêm hai dây chuyền sản xuất, may gia công quần kaki và quần jean - những mặt hàng đang được thị trường ưa chuộng. Để giảm chi phí đầu vào, trừ những lúc bên chủ hàng cần gấp anh phải gởi xe khách, còn lại khi đủ số lượng anh tự thuê xe trực tiếp vận chuyển vừa an toàn mà còn tích lũy thêm một khoản trả tiền lãi vay ngân hàng.

Đến nay, gia đình anh Hiền đã có 3 dây chuyền sản xuất với quy mô trên 70 máy, bình quân mỗi tháng xuất xưởng khoảng 40.000 sản phẩm. Anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 70 lao động tại chỗ, với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, người có tay nghề cao đạt mức từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Khi hỏi về hướng đi trong tương lai, anh Hiền cho biết: Do chưa được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, nên muốn phát triển lâu dài anh đang vận động một số người đóng góp thêm vốn, để đủ điều kiện làm thủ tục xin cấp phép thành lập hợp tác xã, có như vậy thì xưởng may mới đi vào hoạt động ổn định, giải quyết tốt việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.    

     Mai Viết Tăng

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ