A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lương tối thiểu phải tăng ít nhất 8%

08:27 | 11/07/2019

Tiền lương thấp khiến nhiều công nhân phải "bào mòn" sức khỏe tăng ca để có thêm thu nhập

Một ngày trước phiên họp chốt mức tăng lương tối thiểu (LTT, 11-7), chiều 10-7, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ), đề xuất phương án LTT vùng năm 2020 với sự chủ trì của ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Ba phương án tăng lương tối thiểu

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia tin tưởng vào mức tăng LTT vùng năm 2020 sẽ đạt kỳ vọng của các bên, khoảng 6,5%-8,1%. Nếu đạt được mức tăng này, LTT sẽ đạt được mức sống tối thiểu. Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh để có căn cứ đề xuất mức tăng LTT năm 2020 quan trọng phải xác định mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ quan chính thức được pháp luật quy định có thẩm quyền nghiên cứu và công bố mức sống tối thiểu của NLĐ. Nhiệm vụ này đang được giao cho bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán để tham khảo. Cách xác định mức sống tối thiểu chủ yếu dựa vào tính toán của tổ kỹ thuật nhưng chỉ tương đối, ngay cả các bên cũng không sử dụng ngay được. Do đó, buổi tọa đàm này nhằm cung cấp thêm luận chứng để các thành viên của tổ chức Công đoàn (CĐ) thương lượng thảo luận tại Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Với thu nhập thấp, bữa ăn hằng ngày của công nhân nhiều rau mà ít thịt, cá Ảnh: HỒNG ĐÀO

Đề cập về LTT vùng, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết dù mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tiền lương phải đạt được mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình của họ nhưng thực tế chúng ta chưa đạt được. "Nghị quyết 27 giao cho cơ quan thống kê của nhà nước có thẩm quyền tính mức sống tối thiểu. Hiện Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn chưa đưa ra được cơ quan độc lập công bố mức sống tối thiểu mà vấn đề này chỉ do bên Tổng LĐLĐ nghiên cứu" - ông Quảng nói.

Ông Quảng dẫn chứng 8 năm trở lại đây, bức tranh kinh tế khá khởi sắc (chỉ số GDP tăng 6,8%), chỉ số CPI được kiểm soát dưới 4%. Tuy nhiên, đời sống công nhân (CN) vẫn rất khó khăn. "Đã đến lúc chúng ta đừng lấy nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư cũng như đàm phán hợp đồng. LTT vùng chỉ là sàn chung nhưng cũng rất quan trọng để nâng lương cho NLĐ. Chúng tôi đề nghị thực hiện nội dung theo Nghị quyết 27 của Chính phủ, đến năm 2020, mức LTT phải đạt được mức sống tối thiểu" - ông Quảng nhấn mạnh. Trước những phân tích đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất 3 phương án tăng mức LTT vùng cho năm 2020. Theo đó, phương án 1: điều chỉnh vùng 1 đến vùng 4 với mức tăng bình quân 8,18%, tương đương mức LTT sẽ tăng từ 180.000-380.000 đồng; phương án 2: tăng bình quân 7,6%, tương đương mức tăng từ 160.000-330.000 đồng; phương án 3: tăng 6,51%, tương đương mức lương tăng từ 150.000-300.00 đồng.

Không làm thêm, công nhân không đủ sống

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng với mức LTT hiện nay, NLĐ không đủ sống nếu không làm thêm. Qua khảo sát tại các KCN, KCX, đời sống NLĐ rất khó khăn nên họ phải dốc sức làm thêm, sống tằn tiện mới đủ trang trải. Theo ông Đô, trong lần điều chỉnh này, mức LTT vùng cần tăng ít nhất 7%-8%; nếu chỉ tăng 5% sẽ không đủ bù các chi phí trượt giá khác.

Nhìn nhận thực tế tiền lương không đủ sống, CN phải "bào mòn" sức khỏe để tăng ca, bà Văn Thị Thu Hà, đại diện nhóm nghiên cứu "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy", cho rằng hiện mức lương của CN, lao động đang rất thấp, đặc biệt lương của lao động ngành dệt may cực thấp. Theo một khảo sát đối với nhóm CN ngành dệt may, có tới 69% CN cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 37% luôn trong tình trạng vay nợ; 68% hiếm khi có thời gian rảnh để đi thăm bạn bè, người thân; 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. Tình trạng lương thấp, không đủ sống buộc CN phải thường xuyên tăng ca, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch CĐ Các KCN-KCX Hà Nội, đã đặt câu hỏi với các đại biểu tham dự tọa đàm, với 6 triệu đồng thu nhập/tháng thì mọi người có đủ sống hay không? "Hiện Hà Nội có 9 KCN nhưng chỉ KCN Thăng Long là có nhà trẻ cho con CN, lao động do địa phương đầu tư xây dựng. Trong khi đó, lượng CN ngoài tỉnh rất đông - gần 60.000 người, nhu cầu gửi trẻ rất cao. Chúng tôi đến thăm CN đang thuê trọ, chứng kiến cảnh gian nhà hơn 10 m2 có tới 4 người (vợ chồng CN, bà từ quê lên trông cháu) với một tấm dát giường, tủ vải đựng quần áo. Điều này chứng tỏ cuộc sống của CN chắc chắn dưới mức tối thiểu" - ông Thắng cho biết. Ông Thắng đề nghị LTT vùng cần phải tăng trên 9% mới đáp ứng được mức sống tối thiểu. 

90% vụ ngừng việc tập thể liên quan đến tiền lương

Cùng ngày, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng Viện CN - CĐ và LĐLĐ TP HCM tổ chức tọa đàm tình hình tiền lương trong các doanh nghiệp (DN) dệt may và điện tử tại Việt Nam. Tại tọa đàm, các đại biểu phản ánh nhiều DN có đến 2 bảng lương, trong đó bảng lương nộp cho cơ quan nhà nước về lao động khác bảng lương áp dụng tại DN.

Nhiều DN cố tình bỏ qua vai trò của CĐ cơ sở khi thương lượng xây dựng thang bảng lương. Các DN xây dựng thang bảng lương 10 bậc, mỗi bậc cách nhau 5%, tuy nhiên, CN làm việc đến 10 năm đã hết bậc. Đến bậc thứ 10, có DN tăng thêm 3%-5% cho CN hết bậc.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận xét tiền lương là vấn đề cốt lõi hiện nay đã tác động đến 90% vụ ngừng việc tập thể, 80% vi phạm quan hệ lao động do DN không thực hiện đúng cam kết lương, thưởng. Trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có quy định CĐ cơ sở với sự hỗ trợ của CĐ cấp trên thương lượng về tiền lương, xây dựng thang bảng lương. Việc làm này thể hiện vị thế, vai trò của tổ chức CĐ trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.

H.Đào

Ngọc Dung

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ