A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn, vì sao?

07:54 | 06/08/2019

Giới chuyên môn cho rằng cần bổ sung quyền lợi cho người tham gia để tăng thêm sự hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm 134.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên 405.000 người. Sau hơn 10 năm triển khai chính sách này, con số trên cho thấy kết quả vẫn còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.

Sắp "cán mốc" 200.000 người/năm

Giới chuyên môn cho biết 35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức là khu vực tiềm năng khai thác cho loại hình BHXH tự nguyện. Trong năm 2018, sau khi triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ từ 10% đến 30% tiền đóng BHXH hằng tháng cho người lao động (NLĐ) tùy từng đối tượng, tổ chức hàng ngàn hội nghị tuyên truyền tại các địa phương, tập huấn công tác tuyên truyền BHXH cho cán bộ BHXH các cấp, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh. Ước tính hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện sẽ vượt mốc 450.000 người. Nếu hết năm 2019, Việt Nam "cán mốc" 200.000 người mới tham gia BHXH tự nguyện, thì đây sẽ là con số bằng cả 14 năm qua thực hiện.

Hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy cả nước có hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó chỉ có gần 15 triệu người tham gia BHXH và phần lớn thuộc nhóm có quan hệ lao động. Trong đó, khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác. Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và cộng đồng - cho biết hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH, chiếm tới gần 98%. Chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,8% đóng BHXH tự nguyện.

Phải nâng mức hưởng thụ

Các chuyên gia cho rằng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn ít một phần là do người dân chưa hiểu được hết lợi ích của chính sách, một phần cũng có nguyên nhân từ chính sách và phần do thu nhập của đối tượng lao động tự do bấp bênh, không bền vững.

"Mặc dù BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn với mục tiêu giúp cho người dân, NLĐ trong khu vực phi chính thức không tham gia BHXH bắt buộc, khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ có lương hưu để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Thế nhưng, mặt bằng thu nhập của nhiều NLĐ tự do còn thấp, trong khi đó, thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài là 20 năm nên không hấp dẫn NLĐ" - một chuyên gia nhận định.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết mỗi năm hệ thống BHXH thu hút khoảng 800.000 người tham gia, tuy nhiên mỗi năm lại có khoảng 600.000 người ra khỏi hệ thống. Cơ quan quản lý nhà nước BHXH Việt Nam cần nghiên cứu để điều chỉnh chính sách để làm sao nâng mức hưởng thụ của người dân tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện khi đến tuổi nghỉ hưu chỉ hưởng hai chính sách: hưu trí và tiền tuất, do đó cần nâng thêm về chế độ thai sản... mới tạo ra độ hấp dẫn để người dân thiết tha hơn nữa với BHXH tự nguyện. "Nhiều người nói rằng tham gia BHXH không bằng tiết kiệm là hiểu chưa đúng. BHXH là quỹ do nhà nước quản lý tập trung tại trung ương và nhà nước bảo hộ quỹ này, khi quỹ này bị biến động, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm giá trị tiền lương hưu không bảo đảm cuộc sống thực tiễn thì nhà nước sẽ điều chỉnh" - ông Lợi phân tích.

Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, cho biết hiện có gần 40.000 đại lý thu trên toàn quốc, hầu hết ở các thôn, xã. Để mở rộng đối tượng tham gia, ngành BHXH đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Đồng thời, đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện...

Các mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện

Người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Riêng người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vượt chuẩn nghèo được hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện như chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, thời gian hỗ trợ là 12 tháng kể từ ngày địa phương xác nhận hộ vượt chuẩn. Sau 12 tháng, người tham gia được hỗ trợ như các đối tượng khác, thời gian hỗ trợ được tính tiếp theo thời gian đã được hỗ trợ diện hộ vượt chuẩn và tổng thời gian hỗ trợ không quá 10 năm (120 tháng).

Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BXHX tự nguyện theo 1 trong 5 phương thức (đóng hằng năm, đóng 3 tháng 1 lần, đóng 6 tháng 1 lần, đóng 12 tháng 1 lần, đóng một lần cho nhiều năm) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

NGỌC DUNG

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ