A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dạy nghề, giúp đồng bào phát triển sản xuất, giữ gìn nghề truyền thống

08:31 | 14/09/2019

Với việc được dạy nghề phù hợp với thực tế cuộc sống, đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương đã phát triển sản xuất cũng như giữ gìn, phát huy nghề truyền thống.

Tư duy của bà con đã khác trước rất nhiều

Tháng 7/2018, anh Điểu B’Rơi, cùng 34 người ở bon Đắk B’lao, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) được học nghề 3 tháng về lĩnh vực bảo vệ thực vật do Trung tâm Dạy nghề huyện Đắk R’lấp tổ chức. Từ khi được học nghề đến nay, tư duy làm nông nghiệp của bà con đã khác trước rất nhiều.

Sau khi được học nghề bảo vệ thực vật, anh Điểu B’Rơi ở bon Đắk B’lao, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) tự tin giới thiệu cho vợ cách ghép chồi trên cây cà phê

Anh Điểu B’Rơi chia sẻ: “Gia đình chủ yếu trồng cà phê, điều. Nói chung mình cũng siêng làm nhưng năng suất còn thấp. Thấy vậy, tôi xin học nghề để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Tham gia học nghề, tôi được trang bị nhiều kiến thức và đã áp dụng vào sản xuất, biết hạch toán để đạt hiệu quả cao nhất”.

Gia đình anh Điểu B’Rơi có 2.000 cây cà phê trồng đã 10 năm, những năm trước, chỉ thu khoảng 2 tấn nhân nhưng năm vừa rồi thu được trên 3 tấn nhân. Có được kết quả đó là do anh biết áp dụng kiến thức đã được học về làm cỏ, cào bồn, tỉa cành, bón phân, xịt thuốc, tưới nước hợp lý để tránh lãng phí và phù hợp với từng thời kỳ của cây trồng.

Anh Điểu B’Rơi còn áp dụng kiến thức từ học nghề vào chăm sóc 400 cây điều, biết trồng xen 200 cây hồ tiêu vào trong vườn cà phê để nâng cao hiệu quả trên một diện tích. Anh vui vẻ cho biết: “Bây giờ tôi đã thành thạo về kỹ thuật ươm giống, ghép chồi cho cây điều, cà phê và các cây ăn trái. Khi mình thành thạo các kỹ thuật trồng trọt thì hướng dẫn cho vợ để cùng làm tốt công việc chung của gia đình và chia sẻ với những hộ chưa được tiếp cận kỹ thuật bài bản để cùng sản xuất tốt hơn”.

Chị Thị Nga, ở bon Đắk B’lao cũng cho biết: “Những kiến thức tôi được học rất bổ ích. Bà con được hướng dẫn nhiệt tình, cụ thể bằng cách “cầm tay, chỉ việc”. Bên cạnh việc dạy lý thuyết, bà con được thực hành tại vườn, rẫy nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng vào thực tế sản xuất”.

Ngày càng có nhiều người biết dệt thổ cẩm

Là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng do nhiều nguyên nhân, nên nghề dệt thổ cẩm truyền thống có nguy cơ mai một. Trước thực tế này, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh-Xã hội) đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, địa phương dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào ở các bon, buôn.

Chị H’Bình, bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) giới thiệu với du khách về sản phẩm thổ cẩm

Chị H’Bình, ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống của xã và thường được mời truyền nghề cho bà con trong vùng. Chị H’Bình cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ dạy nghề đã đến tại bon, xã tổ chức 4 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Từ khi được dạy nghề, bà con trong bon rất thích và ngày càng có nhiều người biết dệt thổ cẩm. Hiện nay, trên địa bàn xã có cả 100 người biết dệt thổ cẩm”.

Bà H’Drơn, năm nay gần 70 tuổi ở xã Đắk Nia chia sẻ: “Ngày trước được các bà, các mẹ truyền nghề dệt, nay mình biết và thành thạo nghề thì truyền lại nghề cho con cháu. Nhờ được địa phương tổ chức, các bà, các mẹ nhiệt tình truyền nghề cho thế hệ trẻ để phát huy những giá trị tốt đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.

Đã 6 năm nay, Chi hội phụ nữ bon Jăng Plây 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) đã tập hợp được hơn 30 chị tham gia dệt thổ cẩm

Cần đa dạng công tác dạy nghề

Đến tận thôn, bon tổ chức dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số là cách làm đã được huyện Đắk R’lấp triển khai thực hiện nhiều năm nay. Hàng năm, huyện phấn đấu tổ chức từ 1-2 lớp dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, với những nghề phù hợp như bảo vệ thực vật, thú y. Ngoài kiến thức chung, huyện chú trọng bám sát tình hình thực tế để hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về cây trồng chủ yếu cho bà con. Ví dụ như bà con ở bon Bu Ja Rá chủ yếu trồng cao su, lúa nước thì được hướng dẫn kỹ lưỡng.

Có thể thấy, việc dạy nghề về lĩnh vực nông nghiệp rất thiết thực cho bà con để áp dụng vào sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, đối với dạy nghề phi nông nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định. Việc dạy nghề phi nông nghiệp hiện nay chủ yếu là dệt thổ cẩm và chủ yếu mang tính lưu giữ nghề truyền thống, sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường.

Các nghệ nhân ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tham gia Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại Đắk Nông

Chị H’Bình chia sẻ: “Do tiêu thụ khó nên chị em dệt chủ yếu để dùng trong gia đình, nếu làm nhiều thì hàng tồn khó bán. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành, địa phương cần có sự liên hệ, liên kết giúp bà con tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm tốt hơn thì mới đạt được mục đích vừa giữ được nghề truyền thống vừa tạo việc làm và tăng thu nhập”.

Chị H’Đin cũng nói: “Mặc dù đã được dạy nghề và bà con linh hoạt hơn trong việc sáng tạo họa tiết, hoa văn nhưng sản phẩm hiện nay chưa mở rộng ra thị trường được. Tham gia Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông, chúng tôi có dịp giao lưu, học hỏi các dân tộc anh em về cách tiêu thụ sản phẩm và nhìn lại thấy mình còn bó hẹp quá. Sản phẩm của các tỉnh bạn đã xuất khẩu và ứng dụng trong thực tế rất nhiều nhưng sản phẩm của chúng tôi chưa tiêu thụ rộng rãi được”.

 

Nhờ được dạy nghề, bon Jăng Plây 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) đã tập hợp được hơn 30 chị tham gia dệt thổ cẩm. Chị H’Đin, Chi hội phó Chi hội phụ nữ bon Jăng Plây 3 chia sẻ: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào M’nông chúng tôi. 6 năm qua, sau khi được dạy nghề, chị em tập hợp lại và cùng dệt thổ cẩm để bán ra thị trường. Đến nay, thổ cẩm của chị em bước đầu đã được bà con gần xa biết đến, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Mỗi năm, nếu chị nào dệt được nhiều sản phẩm thì thu nhập có thể đến vài chục triệu đồng”.

 

Thực tế cho thấy, mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng có thể khẳng định, việc tổ chức dạy nghề đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đồng bào nâng cao tay nghề, ứng dụng vào sản xuất, có thêm việc làm, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giữ gìn nghề truyền thống. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần đa dạng công tác dạy nghề, chú trọng tư vấn, hỗ trợ, liên kết, kết nối, tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp đồng bào có thêm điều kiện để phát triển sản xuất ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: Thanh Nga

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ