A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tín dụng đen "bủa vây" công nhân

16:47 | 04/10/2019

Hàng trăm công nhân lao động tại tỉnh Đồng Nai phải sống trong cảnh đi làm hằng ngày nhưng tới tháng không được lĩnh lương vì thẻ ATM đã nộp cho các đối tượng cho vay với lãi suất “cắt cổ”

Đến ngày các công ty trả lương hằng tháng, các đối tượng này sẽ trực tiếp cầm thẻ ATM của công nhân đến các trụ ATM của ngân hàng tại khu công nghiệp để rút tiền.

Cho vay "cắt cổ"

Thời gian gần đây, Công an huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nắm được thông tin về một nhóm đối tượng có dấu hiệu cho công nhân (CN) vay lãi nặng, phải thế chấp thẻ ATM và sổ BHXH. Công an huyện Xuân Lộc đã vào cuộc điều tra và bắt giữ một số đối tượng.

Vào lúc 12 giờ ngày 26-9, ba đối tượng cùng ở huyện Xuân Lộc, gồm: Nguyễn Hoài Nam (34 tuổi), Nguyễn Hoài Như Hoàng (31 tuổi, em ruột Nam), Nguyễn Văn Rim (30 tuổi) đang dùng thẻ ATM của một số CN rút tiền tại trụ ATM Khu công nghiệp (KCN) Xuân Lộc để trừ nợ tiền vay lãi, thì bị Công an huyện phát hiện, tạm giữ. Theo điều tra ban đầu, Nam và Rim thừa nhận, trong thời gian làm CN biết nhiều CN có nhu cầu vay tiền để tiêu xài cá nhân. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, cả 2 đã lấy tiền của cá nhân và gia đình khoảng 2 tỉ đồng cho hơn 200 CN trong KCN Xuân Lộc vay, lấy lãi từ 4-6%/tháng. Tổng tiền lãi thu lợi hàng tháng khoảng 50 triệu đồng.

Người có nhu cầu vay số tiền thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất khoảng 60 triệu đồng. Điều kiện ràng buộc đối với người vay phải thế chấp thẻ tín dụng ATM và mật khẩu thẻ để Nam và Rim rút tiền. Đến ngày các công ty trả lương CN hàng tháng, Nam và Rim cầm thẻ ATM của người vay đến các trụ ATM rút tiền. Nam còn thuê em trai là Nguyễn Hoài Như Hoàng phụ giúp đến các trụ ATM để rút tiền của người vay.

Một nhóm đối tượng có liên quan đến cho vay lãi nặng tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai bị tạm giữ tại cơ quan công an. Ảnh: HAC

Sau khi rút tiền, các đối tượng sẽ trừ đi lãi và gốc. Nếu người vay trả hết nợ tiền gốc và lãi sẽ được nhận lại thẻ ATM. Còn nếu người vay chỉ trả lãi mà không trả tiền gốc, các đối tượng sẽ tiếp tục giữ lại thẻ, chỉ trả cho người vay số tiền lương còn dư sau khi đã trừ tiền lãi.

Ngoài ra, quá trình cho vay, các đối tượng còn yêu cầu người vay thế chấp sổ BHXH và làm hợp đồng cho vay tiền với lãi suất thấp hơn thực tế, nhằm hợp thức hóa hình thức vay cũng như che giấu hành vi cho vay lãi nặng.

Khám xét chỗ ở của các đối tượng, công an đã phát hiện, tạm giữ 260 thẻ tín dụng (ATM), hơn 200 triệu đồng, 121 hợp đồng vay tiền, 120 sổ BHXH và 4 điện thoại di động các loại. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Lộc xác định hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự nên đã ra quyết định tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo luật định.

Một góc khu CN Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai-nơi lực lượng công an đã triệt phá 3 băng nhóm tín dụng đen

Tấn công xóa bỏ "tín dụng đen"

Với số lượng hơn 26.000 CN, KCN Xuân Lộc được ví như mảnh đất "màu mỡ" cho các nhóm đối tượng cho vay lãi nặng hoạt động. Với các thủ tục cho vay nhanh, đơn giản, không cần thế chấp tài sản nên các đối tượng này tiếp cận dễ dàng với người có nhu cầu vay. Theo thống kê của Công an huyện Xuân Lộc, tính từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã triệt phá được 3 băng nhóm đối tượng hoạt động "tín dụng đen" ở KCN Xuân Lộc. Qua điều tra, Công an huyện đã xử lý hình sự 1 đối tượng, xử lý hành chính 5 đối tượng.

Không chỉ ở huyện Xuân Lộc, tại TP Biên Hòa hay huyện Vĩnh Cửu cũng là địa bàn "nóng" về cho vay "tín dụng đen" trong CNLĐ bấy lâu nay. Dọc các tuyến đường, con hẻm, nhất là khu vực tập trung của các KCN có đông CNLĐ sinh sống, dễ dàng bắt gặp vô số tờ rơi, biển quảng cáo cho vay kèm số điện thoại liên hệ. Chỉ cần nhấc điện thoại, người dân có thể được vay số tiền từ 1 đến 10 triệu đồng mà không cần thế chấp tài sản. Ðặc biệt, một số đối tượng cho vay còn in tờ rơi và phát tại các phòng trọ của CN.

Chị Vũ Thị Duyên - một CN làm việc tại KCN Biên Hòa 1 - chia sẻ, đôi khi CN túng thiếu cũng gọi điện và lúc đó không còn nghĩ đến lãi suất. "Tại Cty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu-PV), Công đoàn Cty cũng từng giải quyết hàng chục vụ cho vay nặng lãi. Có vụ, CN nợ hơn 100 triệu đồng và nợ nhiều người nên không có khả năng chi trả" - ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch CĐ Công ty Chang Shin Việt Nam, cho biết.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, qua công tác nắm tình hình và điều tra của Công an tỉnh cho thấy, hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" trên địa bàn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại địa bàn có nhiều KCN như TP.Biên Hòa; huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, thị xã Long Khánh. Đặc biệt, các băng nhóm, đối tượng ngoài tỉnh xuất hiện tại Đồng Nai, câu kết với các đối tượng tại địa phương hoạt động "tín dụng đen". Từ đó dẫn đến các hành vi đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật. Công an tỉnh Đồng Nai đã lập một chuyên án đấu tranh với các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.

Lập quỹ hỗ trợ công nhân

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐ Công ty Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Cty có 32.500 CNLĐ - cho hay: Công đoàn Cty đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cho CNLĐ hiểu được mối nguy hại từ việc cho vay nặng lãi bên ngoài; đồng thời khuyến cáo công nhân khi có khó khăn thì Quỹ Công đoàn có thể hỗ trợ cho công nhân, hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp. Đồng thời, CĐ còn mở các lớp huấn luyện tài chính cá nhân cho công nhân, huấn luyện cách chi tiêu hợp lý. H.A.C

HÀ ANH CHIẾN (Báo Lao Động)

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ