A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thu hái sầu riêng: Nghề kén chọn người

15:16 | 15/10/2019

Vốn được mệnh danh là “vua” của các loại trái cây. Tuy nhiên, vì đặc tính vỏ dày, có gai cứng, việc thu hái khó khăn nên loại quả này rất kén người “thẩm định”.

Đắk Lắk đang trong mùa vụ thu hoạch sầu riêng và cũng là mùa của người hành nghề thu hái sầu riêng. Mặc dù năm nay giá sầu riêng giảm mạnh so với năm trước nhưng nghề "thẩm định", thu hoạch sầu riêng vẫn “hot” khi thu nhập không đổi. Theo tìm hiểu thực tế thì giá nhân công thợ thẩm định vườn cây kiêm thu hoạch sầu riêng dao động từ 1-1,5 triệu đồng/người/ngày; thợ chỉ thu hoạch từ 500.000 - 600,000 đồng/người/ngày. Công cao nhưng không phải ai cũng làm được nghề này.

Một thương lái thu mua sầu riêng ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng cho hay, dù theo nghề buôn bán trái cây gần 10 năm rồi nhưng công việc gõ để thẩm định và thu hoạch sầu riêng vẫn là bí ẩn với ông. Nên có lúc thiếu nhân công cũng không thể kiếm người làm thay được như thu hoạch các loại trái cây khác. Bởi ngoài sự dẻo dai khi leo trèo trên cây, thợ hái sầu riêng còn phải “thẩm định” được trái chín, trái già, trái non. Thậm chí, phải phân biệt được độ già của quả để bảo đảm yêu cầu hái và gom đủ số lượng xuất hàng theo yêu cầu của thương lái.

Thông thường, chỉ cần ngửi mùi thấy thơm là biết trái đã chín, nhưng cái tài của người hái là phải biết thẩm định quả từ lúc chưa ngửi thấy mùi thơm. Như gõ dao lên trái nghe “bộp bộp” như trống tức là trái đã bắt đầu chín buộc phải loại ra để tiêu thụ ở thị trường gần nhằm bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng; khi gõ nghe chát, đanh cứng “coong coong”, “boong boong” nghĩa là trái sầu riêng chưa chín, thợ hái phải hiểu được trái già đủ độ để cắt hay chưa. Bởi trái già đủ độ mới có giá trị cao, có thể vận chuyển, tiêu thụ tại các thị trường cao cấp mang lại lợi nhuận lớn cho thương lái. Chính điều này đã làm nên giá trị cho nghề thu hoạch sầu riêng.

Sầu riêng được phân loại ngay từ gốc để ước lượng sản lượng và chất lượng.

Ngoài ra, được mệnh danh là “vua” các loại quả, sầu riêng cũng là mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất đối với thương lái bởi nhiều khi có quả nhìn bên ngoài rất đẹp mắt, vụ trước ăn rất ngon nhưng năm nay chưa chắc đã ngon. Trong khi đó, hàng xuất khẩu đòi hỏi số lượng lớn, lại phải cắt già đúng độ nên trước khi mua, ngoài tự kiểm tra vườn thì các thương lái còn phải có đội ngũ thợ hái sầu riêng chung lưng đấu cật đi theo khắp các vườn.

Anh Nguyễn Văn Út (quê ở Tiền Giang) cho biết, anh làm nghề thu hoạch sầu riêng hơn 10 năm nay và theo các thương lái đi khắp cả nước. Lên Tây Nguyên vào tháng 9, tháng 10; về miền Tây cuối tháng 10 đến tháng 5 năm sau; đến miền Đông Nam Bộ tháng 6, tháng 7. Bản chất nghề này khó do đặc thù trái sầu riêng khó “kiểm định” chất lượng. Do đó, trước khi tiến hành thu hái buộc thợ phải đi khắp vườn để kiểm tra, ước lượng sự đồng đều của trái, thậm chí dùng dao nêm thử để nắm được tiến độ sinh trưởng của quả và ước lượng sản lượng mỗi đợt thu hái để thương lái sắp xếp xe vận chuyển đi tiêu thụ. Nhờ bề dày kinh nghiệm và làm việc có tính kỷ luật cao nên cứ đến mùa sầu riêng chín anh Út lại được thương lái dạm công từ sớm, tuy vất vả nhưng thu nhập tương đối ổn định.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.000 ha sầu riêng, tập trung tại huyện Krông Pắc, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột…

Anh Đoàn Minh Nghĩa  ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vào nghề hơn 4 năm nay. Ban đầu anh chỉ đi theo đoàn thu hoạch vì miếng cơm manh áo, dần dà thấy nghề này thu nhập tương đối, có thể trang trải cuộc sống cho gia đình nên quyết theo học. Hiện tại, anh chủ yếu dùng tay để bắt sầu riêng do người khác hái trên cây thả xuống. Có những quả sầu riêng chỉ khoảng hơn 1 kg nhưng cũng có quả nặng trên dưới 4 kg được thả từ cây cao  3 - 5 m xuống nên chuyện trầy da, gai đâm tay hay té ngã khi thu hoạch như cơm bữa. Khi được hỏi về cách nhận diện quả già thì anh cười bảo đến nay vẫn chưa đủ kinh nghiệm nên không dám nói ẩu.

Thợ thu hoạch sầu riêng leo lên cây để gõ, “thẩm định” từng quả trước khi hái.

Theo lý giải của các thợ lành nghề thì trái sầu riêng thường chín từ dưới lên, khi “thẩm định” ngoài nhìn nhận bên ngoài thì thợ thường gõ phần cuối và giữa trái sầu riêng để kiểm tra trước, khi chưa chắc chắn mới gõ phía trên gần cuống. Loại trừ trái non ra, khi gõ âm thanh phát ra cuối trái và giữa trái giống nhau nghĩa là trái sầu riêng đó đủ độ già để hái. Tuy nhiên, một vài trái thì có thể nghe và “thẩm định” được nhưng giữa một cây, một vườn cây với nhiều âm thanh khác nhau từ gió, lá xào xạc đến tiếng gõ từ những thợ hái sầu riêng khác trên vườn thì việc nghe tiếng gõ trở nên khó khăn hơn. Nếu hái khi không đủ độ già đồng nghĩa độ đồng đều, chất lượng của quả sầu riêng sẽ kém, ảnh hưởng đến cả lô hàng lên đến hàng chục tấn của thương lái. Trong khi đó, đa phần sầu riêng già đủ độ đều vận chuyển đi xa để tiêu thụ nên nếu không bảo đảm độ già thì thương lái “lãnh đủ”.

Thanh Hường

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ