A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hiểu đúng để thực hiện

08:20 | 19/10/2019

Bắt đầu từ hôm nay, 15/10, Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành sẽ chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn có không ít người băn khoăn về tốc độ tối đa được phép của xe gắn máy, mà thông tư này đưa ra để áp dụng.

Cụ thể là tại Điều 8 Thông tư 31, quy định tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là không quá 40km/h. Thực tế quy định này đã có tại Thông tư 91/TT – GTVT cũng của Bộ GTVT đã ban hành và thực hiện từ tháng 3/2016 đến nay. Nhưng vì là thông tư mới (tức Thông tư 31), có thêm một số điều chỉnh cụ thể hơn, nên nhiều người hiểu nhầm rằng quy định trên là áp dụng cho tất cả các loại xe máy thường là xe 2 bánh gắn động cơ đốt trong sử dụng xăng mà đa số người dân sử dụng hiện nay. Thậm chí trên một số diễn đàn, đã có những phản ứng một chiều mà chưa nghiên cứu cụ thể.

Qua tìm hiểu từ Bộ GTVT và lực lượng CSGT, thì cách hiểu như trên là không chính xác khi gộp chung các loại xe 2 bánh gắn động cơ thành xe máy.

Theo Điều 3.40 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN:41/2016/BGTVT - gọi tắt là Quy chuẩn 41), thì xe máy là cách gọi thông dụng để chỉ xe mô tô trong các văn bản luật, hiểu đơn giản, xe máy là xe cơ giới 2 hoặc 3 bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50cm3 trở lên. Còn xe gắn máy chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích xi lanh tương đương không được lớn hơn 50cm3 (hay còn gọi là xe 50cc hoặc xe 50 phân khối). Với môtô, Điều 3.39 quy định: Môtô (còn gọi là xe máy) là xe cơ giới 2 hoặc 3 bánh và các loại xe tương tự di chuyển bằng động cơ có dung tích xylanh từ 50cm3 trở lên (trên 50 phân khối), tải trọng bản thân xe không quá 400kg đối với xe máy 2 bánh hoặc khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ 350-500kg đối với xe máy 3 bánh.

Như vậy, việc quy định tốc độ không quá 40km/ giờ là quy định đối với các loại xe máy, xe gắn máy (kể cả loại xe 3 bánh) có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở xuống. Không phải là xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở lên khi tham gia giao thông. Nói rõ hơn, tốc độ của môtô (xe máy) được Thông tư 31 quy định như sau: Tốc độ tối đa ở đường trong khu vực đông dân cư là 60km/h đối với đường đôi (đường có chiều đi và chiều về được phân biệt bằng dải phân cách giữa), đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên; tối đa 50 km/h với đường 2 chiều (đường có cả 2 chiều đi và về trên cùng một phần đường chạy xe, không được phân biệt bằng giải phân cách giữa), đường 1 chiều có 1 làn xe cơ giới. Với đường ngoài khu vực đông dân cư, môtô được chạy tốc độ tối đa 70km/h trên đường đôi, đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên; tối đa 60 km/h đối với đường 2 chiều, đường 1 chiều có 1 làn xe cơ giới.

Hiểu đúng luật, nắm chắc các quy định về an toàn giao thông khi tham gia giao thông, không chỉ giúp cho mình luôn đảm bảo an toàn mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và mang lại bình yên cho xã hội. Đó cũng là trách nhiệm của tất cả chúng ta!          

Hà Linh

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ