A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thị Xã Buôn Hồ: Những cách làm thiết thực về chống rác thải nhựa

15:45 | 06/11/2019

Thời gian gần đây, phong trào chống rác thải nhựa ở thị xã Buôn Hồ đã được khởi động bằng những việc làm, hành động thiết thực từ công sở đến cộng đồng.

Từ giữa tháng 9-2019, UBND thị xã Buôn Hồ đã có công văn gửi các phòng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn thị xã ký cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” tại đơn vị với các nội dung cụ thể: không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy như ống hút, chai nước khoáng, hộp xốp, hộp nhựa đựng cơm và thức ăn, ly, chén, dĩa nhựa… trong các hoạt động; không thanh toán các khoản chi cho các loại nước uống đóng chai có thể tích 500 ml trở xuống; hạn chế tối đa và tích cực tái sử dụng các loại bì, hộp nhựa đựng tài liệu; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiên phong gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện để người thân, gia đình và nhân dân cùng học, làm theo… Điều đặc biệt, việc thực hiện phong trào này sẽ trở thành chỉ tiêu để đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm đối với các tổ chức, đơn vị, địa phương.

Một đoạn đường xanh - sạch - đẹp ở xã Ea Siên.

Một trong những nội dung thiết thực và được hưởng ứng tích cực nhất là nói không với nước đóng chai nhựa thể tích nhỏ để hạn chế rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, đồng thời góp phần tiết kiệm chi tiêu cho các đơn vị. Nếu như trước đây, mỗi đơn vị, địa phương phải bỏ ra từ hàng trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng tiền mua nước đóng chai (loại 350 ml và 500 ml) mỗi tháng để phục vụ cho hội họp, thì nay đã chuyển sang dùng ấm, ly bằng sứ, thủy tinh có thể sử dụng nhiều lần. Với cách làm này, trung bình mỗi tháng, toàn thị xã Buôn Hồ không chỉ tiết kiệm hàng chục triệu đồng mua nước đóng chai mà quan trọng hơn là đã giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường.

 

“Thị xã Buôn Hồ đang triển khai thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với tổng diện tích 11,7 ha tại xã Ea Đrông, có công suất xử lý rác 100 tấn/ngày đêm, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 174 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Cơ khí môi trường Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) đầu tư. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề xử lý rác thải; đặc biệt là tái chế các loại rác thải nhựa và túi nilon”.

 
 Nguyễn Thị Trúc, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Buôn Hồ

Một trong những đơn vị hưởng ứng phong trào này rất tích cực là UBND xã Ea Siên. Sau khi ký cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, đơn vị đã triển khai  ngay các hoạt động cụ thể: tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các nội dung của phong trào, huy động các tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia tổng dọn vệ sinh, thu gom rác thải tại một số điểm công cộng.

Ông Nông Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Siên chia sẻ, việc bảo vệ môi trường ở địa phương vẫn được thực hiện lâu nay nhưng chưa thực sự quyết liệt. Khi thị xã triển khai phong trào, công tác tuyên truyền được chú trọng hơn, treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền khắp các công sở, trường học, trạm y tế, nơi công cộng nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường. Kết quả bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực, giảm một lượng rác lớn thải ra môi trường.

Đơn cử như cách làm của một chủ quán ăn sáng trên địa bàn xã, chị thường gom những chiếc túi nilon đựng bún, phở đem giặt sạch để người bán rau dùng lại, góp phần hạn chế rác thải ra môi trường.

Thị Đoàn Buôn Hồ cũng có nhiều hoạt động thiết thực như không sử dụng nước uống đóng chai và ống hút nhựa trong hội nghị; tận dụng phế liệu tái chế để xây dựng sân chơi cho trẻ em; xây dựng các con đường bích họa và đường hoa thanh niên… gắn với việc tuyên truyền đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Các cuộc họp, hội nghị ở thị xã Buôn Hồ không còn sử dụng chai đựng nước bằng nhựa sử dụng một lần

Có thể thấy, phong trào “Chống rác thải nhựa” ở địa phương mới triển khai nhưng đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường; từng bước tuyên truyền một cách sâu rộng cho người dân hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa cũng như nâng cao trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức trong việc bảo vệ môi trường.

Thúy Hồng

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ