A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhọc nhằn nghề "phu keo"

14:33 | 12/11/2019

Những năm gần đây, nghề trồng keo lai lấy gỗ ở huyện M’Đrắk phát triển mạnh, từ đó hình thành nên một nghề mới là nghề “phu keo”. Đó là việc khai thác, bóc vỏ keo lai, vận chuyển gỗ keo tận trong rừng sâu, rất vất vả và nhiều mối hiểm nguy.

Theo chân những “phu keo”, chúng tôi mới thấu hiểu được công việc nặng nhọc, vất vả của nghề. Từ sáng sớm, anh Y Đuê Byă (SN 1977, thị trấn M’Đrắk) đã có mặt tại khu rừng keo thuộc buôn M’O (xã Ea Trang) để bắt đầu công việc . Anh Y Đuê cho hay,  khai thác keo là lao động tay chân, ai siêng năng, có sức khỏe thì làm được hết. Vừa nói, anh vừa rút trong túi quần ra một chiếc xỉa bằng sắt có một đầu nhọn, tay kia nhấc nhẹ cây keo lên rồi móc xỉa vào phần vỏ cây để lột. Đôi tay thoăn thoắt, chưa đầy 2 phút, anh Y Đuê đã tách hết vỏ của thân keo to.

Nghề “phu keo” thường gắn liền với rừng sâu vất vả.

 

Người ta gọi khai thác keo thuê là một nghề cũng đúng, nhờ nó mà biết bao gia đình như tôi có thêm công việc để làm. “Phu keo” không cần vốn liếng, chỉ cần có sức khỏe, chịu khó là một ngày kiếm được 230 - 250 nghìn đồng. Một tháng tôi làm làm được hơn 20 ngày, có tiền lo cho gia đình”.

 
Anh Y Phôn Niê Kđăm chia sẻ

Anh Y Đuê làm thuê kiếm sống từ nhỏ, đến năm 2009 thì tình cờ “bén duyên” với nghề “phu keo”. “Buổi trưa một ngày mưa, có một chiếc xe máy cày chất đầy gỗ keo bị sa lầy ngay khu rẫy nhà mình, mình bèn ra phụ họ đẩy xe qua khỏi vũng bùn. Người chủ hỏi mình có muốn làm keo thuê không, tiền công trả 120 nghìn đồng/ngày bao cơm trưa, mình đồng ý  ngay, từ đó mình gắn chặt với công việc “phu keo” tới nay đã hơn chục năm”, anh Y Đuê nhớ lại.

Lấy rừng là nhà, anh Y Đuê khai thác hết cánh rừng này lại tới khu rừng khác, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Những năm trước, anh còn dẫn vợ theo làm, về sau thấy nghề “ăn rừng, ngủ bụi” cơ cực quá nên để vợ xuống Đồng Nai làm công nhân, còn con cái thì giao lại cho bà ngoại trông nom.

Cách khu vực Y Đuê làm không xa, anh Y Phôn Niê Kđăm (SN 1987, buôn Phao, xã Cư Mta, huyện M’Đrắk) đang dùng máy cưa xích để hạ cây keo. Đây là công đoạn khó và “kén” người nhất trong các công đoạn khai thác keo gồm: Cắt cây, phát cành, phân khúc cây, bóc vỏ keo và tập kết gỗ keo lên xe. Người cầm cưa thường là những thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có thể xử lý nhanh những sự cố xảy ra.

Anh Y Phôn cho hay, trước khi đặt máy lên cưa, anh sẽ ngắm chừng hướng cây đổ, nhưng lắm lúc cây ngã trật hướng, phải vứt máy cưa chạy thật nhanh. Để hạn chế rủi ro, thường có thêm người dùng tay kéo sợi dây móc sẵn ở ngọn cây để nương cây đổ xuống mặt đất. Giơ đôi bàn tay nhăn nhúm, trầy trụa dính đầy nhựa keo, anh Y Phôn tâm sự: Với những người làm nghề thu hoạch keo thuê thì việc trầy xước, dẫm phải gai, té ngã là chuyện  thường. Nhiều khi bốc gỗ keo lên xe, vẫn bị gỗ rơi trúng chân, trúng người. Biết cái nghề này vất vả và rủi ro nhưng vì miếng cơm, manh áo anh vẫn phải làm. Nếu làm việc ở những khu rừng gần nhà thì sáng đi chiều về, còn làm xa cách nhà hàng chục cây số đường rừng thì phải ở lại cả tháng trời. Dẫu vất vả nhưng thu nhập cũng khá nên ngày càng có nhiều người theo nghề “phu keo”.

Anh Y Đuê Byă dùng chiếc xỉa để bóc vỏ keo.

Công việc khá ổn định bởi nghề trồng rừng ở M’Đrắk đang phát triển mạnh. Hầu như cứ ở đâu có rừng trồng là ở đó có dấu chân của người khai thác gỗ thuê. Họ không quản nắng mưa, ngày đêm len lỏi vào những cánh rừng sâu mưu sinh, giảm bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền cho gia đình...

Thanh Thủy

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ