A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phía sau công nghệ....làm đẹp: kỳ cuối: ai quản lý?

15:22 | 21/04/2014

Công nghệ làm đẹp tại nhiều nước trên thế giới đã ra đời và phát triển khá lâu, nên việc đi thẩm mỹ đã trở thành chuyện bình thường. Còn ở nước ta, do mới ra đời nên đã nảy sinh những bất cập, những “lỗ hổng” trong thực hiện cũng như quản lý loại hìn

Nhiều cơ sở ngang nhiên “xé rào”

Trên địa bàn tỉnh ta hiện tồn tại hai loại hình thẩm mỹ, gồm: phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Về góc độ chuyên môn, theo Thông tư số 41 ngày 14-11-2011của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được phép thực hiện các dịch vụ: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da vùng mặt, vùng cổ, tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai. Thông tư đặc biệt lưu ý: không được phẫu thuật tạo hình nâng ngực, căng da mặt, hút mỡ và các kỹ thuật chuyên môn khác, chỉ khi đã được Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt trên cơ sở năng lực thực tế của người hành nghề và điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám. Với các cơ sở làm đẹp thông thường chỉ được thực hiện các dịch vụ ngoài da, không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như xăm mắt, xăm môi, xăm lông mày…

Theo số liệu của ngành chức năng, đến thời điểm này, tại TP. Buôn Ma Thuột có 5 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép hành nghề và quản lý trực tiếp về chuyên môn; 80 cơ sở chăm sóc sắc đẹp (gồm các thẩm mỹ viện, spa, cơ sở chăm sóc da, massage, mua bán mỹ phẩm) được phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Song, qua tìm hiểu của chúng tôi, thực tế những cơ sở làm phẫu thuật thẩm mỹ cũng như cơ sở chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều nhiều hơn con số ngành chức năng quản lý. Nhiều cơ sở hoạt động dưới tên gọi là thẩm mỹ viện, spa tuy chỉ đăng ký chăm sóc sắc đẹp nhưng vẫn “lấn sân” sang lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, tình trạng vi phạm phổ biến là áp dụng một số kỹ thuật chưa được phép của Bộ Y tế, quảng cáo quá phạm vi năng lực chuyên môn. Chẳng hạn như Trung tâm thẩm mỹ N.H trên đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn “kiêm” thêm dịch vụ phun thêu môi, đốt mụn bằng laser…, trong khi đây là những kỹ thuật chỉ được phép thực hiện tại phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Không những thế, do loại hình thẩm mỹ xăm mắt, xăm môi, xăm lông mày đang “hút” khách nên nhiều tiệm cắt tóc, gội đầu nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố cũng ngang nhiên cung cấp dịch vụ mà chẳng cần quan tâm đến việc cơ sở mình có được phép làm hay không.

Rõ ràng, sự “mạo danh” của các cơ sở làm đẹp thông thường đã tạo nên sự bát nháo của thị trường thẩm mỹ và ít nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động của những cơ sở hoạt động chân chính. Vậy, việc để tồn tại những cơ sở hoạt động “xé rào” như vậy, trách nhiệm  thuộc về ai?

Phẫu thuật thẩm mỹ để đẹp hơn đã trở thành trào lưu của phái đẹp.

“Lỗ hổng” trong quản lý

Hiện nay quy trình cấp phép và quản lý các cơ sở làm đẹp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột liên quan đến các ngành, gồm: Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phòng Tài chính – Kế hoạch (UBND thành phố). Sở Y tế cấp phép hành nghề đối với phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp phép cho hộ kinh doanh cá thể (nếu là doanh nghiệp sẽ do Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp phép); còn Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm kiểm duyệt về quảng cáo trực quan.

Có thể nói, về nguyên tắc, ai cấp phép người đó phải quản lý, chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở làm đẹp trên thực tế lại chưa có sự phân định rõ ràng, bởi theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên viên của Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND TP. Buôn Ma Thuột: “Giấy đăng ký kinh doanh có thể coi như giấy khai sinh, thông báo, đăng ký về hoạt động kinh doanh. Đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi về mặt chuyên môn nên những cơ sở giải phẫu thẩm mỹ dù đã đăng ký kinh doanh nhưng chỉ được phép kinh doanh khi có giấy phép đủ điều kiện hành nghề do Sở Y tế cấp. Tuy Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố là đơn vị cấp phép nhưng công tác hậu kiểm lại gặp khó khăn do dịch vụ thẩm mỹ là loại hình kinh doanh có điều kiện, mang tính đặc thù. Trên thực tế, nếu có kiểm tra thì cũng chỉ để xem cơ sở ấy có kinh doanh theo như đăng ký hay không, còn danh mục kinh doanh, lĩnh vực hoạt động của cơ sở mang tính chuyên môn nên chúng tôi không đủ năng lực cũng như không có thẩm quyền kiểm tra. Thêm nữa, trên chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh chỉ ghi ngắn gọn, vắn tắt, mang tính bao hàm nội dung hoạt động, kinh doanh nên Phòng Tài chính – Kế hoạch cũng căn cứ vào đó để ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn thực hư chi tiết danh mục những nội dung hoạt động là gì thì không biết cụ thể ”.

Trong khi đó, trao đổi với ngành Y tế về công tác quản lý hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ, Thạc sĩ, bác sĩ Nay Nguyên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Hiện ngành chỉ quản lý chuyên môn đối với các cơ sở đăng ký thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ có can thiệp dao kéo, còn không quản lý cơ sở làm đẹp thông thường do họ không đăng ký thực hiện các dịch vụ khám, phẫu thuật thẩm mỹ với ngành. Mà khi không cấp phép hành nghề thì dù có muốn, ngành Y tế cũng không thể đơn phương kiểm tra hoạt động của cơ sở”. Đứng ở góc độ chức năng quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Bùi Văn Khối, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Văn hóa cho biết: “Trong lĩnh vực này, đơn vị chỉ có chức năng quản lý các biển, bảng quảng cáo và phải là những biển, bảng quảng cáo trên các trục đường không nằm trong phạm vi của cơ sở. Trong quá trình thanh tra kiểm tra, nếu cơ sở quảng cáo không phù hợp với mỹ quan thành phố thì sẽ bị nhắc nhở, trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì ngành mới tiến hành xử lý. Nhưng đến thời điểm này, chưa có cơ sở làm đẹp nào ở thành phố Buôn Ma Thuột vi phạm về quảng cáo...”.

Thiết nghĩ, khi mà nhu cầu chăm sóc sắc đẹp ngày càng tăng thì các cơ sở cung cấp loại hình dịch vụ này phát triển là điều dễ hiểu. Nhưng làm thế nào để các cơ sở này hoạt động tuân thủ theo đúng năng lực chuyên môn lại đòi hỏi các ngành liên quan cần có những giải pháp tổng thể. Thực tiễn cho thấy, trước khi ngành chức năng cấp phép đăng ký kinh doanh cho các cơ sở làm đẹp hoạt động, yêu cầu nhất thiết phải có sự tham gia thẩm định, đánh giá của ngành Y tế. Đồng thời, việc quản lý, cấp phép hoạt động đối với những cơ sở làm đẹp cần phải có sự phân định rõ ràng để thuận tiện hơn trong việc kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng cũng sẽ giúp cho công tác quản lý loại hình này được thực hiện chặt hơn, khi cần có thể phát huy vai trò kiểm tra của quản lý thị trường, hoặc thành lập đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Kim Oanh – Đàm Thuần

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    CÁC TIN KHÁC

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ