A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phải đưa mức học phí đào tạo lái xe về đúng giá trị thực

09:25 | 02/03/2020

Trước những thông tin về việc người dân đổ xô đi học lái xe và nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tăng phí học lái xe ô tô trong thời gian vừa qua,...

ông Lương Duyên Thống- Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện đơn vị chưa có số liệu tổng hợp cụ thể nhưng qua nắm bắt tại các Sở GTVT, nhu cầu đào tạo lái xe ngay từ những tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ.

Còn về vấn đề học phí đào tạo lái xe vẫn đang thực hiện theo Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.

Nhiều cơ sở đào tạo lái xe tăng giá cao, với lý do chi phí nhiều hơn.

Ông Thống cho biết, hiện Nhà nước không quản lý về giá đào tạo lái xe mà giao cho các cơ sở đào tạo tự xây dựng mức giá, sau đó công bố công khai và báo cáo cơ quan quản lý. Theo đó, căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên và định mức về tiêu hao nhiên liệu, chế độ chi tiêu tài chính, các cơ sở đào tạo xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần báo cáo cơ quan chủ quản để theo dõi. Đặc biệt, phí đào tạo này cũng được công khai cho học viên biết trước khi ký hợp đồng đào tạo. Nếu các cơ sở tăng không đúng quy định sẽ bị xử lý ngay.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ với những thay đổi về chương trình, tăng cường thiết bị đào tạo và ứng dụng công nghệ, công tác giám sát khâu sát hạch cấp giấy phép lái xe được thực hiện rất chặt chẽ. Điểm đáng chú ý nhất của Thông tư này là bổ sung nhiều nội dung liên quan đến các cơ sở đào tạo, sát hạch để đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng thực hành, làm quen với nhận diện tình huống giao thông thực tế.

Với các cơ sở đào tạo lái xe, ông Trần Văn Toản- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho biết, trước đây, nhiều trung tâm vì cạnh tranh nên chỉ đưa ra mức giá từ 3 - 4 triệu đồng cho khóa đào tạo bằng B2. Trong quá trình học, họ lại thu thêm tiền của học viên. Đến nay, các trung tâm đang dần điều chỉnh mức học phí về giá trị thật theo yêu cầu đầu tư và quản lý chứ không phải tăng giá. Điều này cũng bắt buộc các trung tâm phải điều chỉnh giá để phù hợp với mức chung. Học phí học lái xe hàng chục năm nay chưa có sự thay đổi. Mức học phí tăng lên từ 10 - 15 triệu đồng cũng là phù hợp với chi phí nhân lực, xăng dầu tăng cao để nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm Đào tạo lái xe Lạc Hồng (Hà Nội) cho biết, sau khi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT ban hành thì thời lượng chương trình đào tạo so với quy định trước không có thay đổi, chỉ khác là các trung tâm phải đầu tư thêm nhiều trang thiết bị mới như cabin tập lái, thiết bị mô phỏng, camera giám sát... Do vậy, chi phí mua sắm thiết bị cùng với thuê đường truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam tốn khá nhiều kinh phí. Khi các trung tâm đầu tư trang thiết bị cùng với giám sát chặt học lý thuyết và thực hành, chắc các trung tâm sẽ phải tăng mức học phí và tất cả học viên sẽ phải chia sẻ cùng.

“Trước đây, do có sự cạnh tranh không lành mạnh, hầu hết các trung tâm phải giảm giá để thu hút học viên. Để tồn tại, hầu hết các trung tâm phải đối phó, không dạy đủ chương trình, nhất là số km thực hành trên đường theo quy định. Vì vậy, mới có giá cho một khóa học giấy phép lái xe hạng B2 chỉ có 5 - 6 triệu đồng. Nếu tính tổng các chi phí xăng dầu, trả lương cho giáo viên sẽ mất khoảng 250.000 đồng/giờ. Nếu học sinh học đủ trung bình là 100 giờ sẽ mất khoảng 25 triệu đồng/khóa học”- theo ông Dũng.

Để tạo nên một mặt bằng giá thật, cạnh tranh một cách lành mạnh, chi phí thật, chất lượng thật, ông Dũng cho rằng, cần có cơ chế quản lý về học phí đào tạo, có thể quy định mức thu cứng cho mỗi học viên và thống nhất trên toàn quốc mức giá khoảng 250.000 đồng/giờ học. Tất nhiên, cơ quan quản lý cần có nghiên cứu, đánh giá trước khi đưa ra mức giá chung phù hợp.

Còn ông Ngô Đình Quang- Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp Giấy phép lái xe (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo báo cáo của các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn thành phố, cho đến thời điểm này, các cơ sở đào tạo lái xe có tăng học phí, cao nhất có cơ sở tăng khoảng 20%. Trong tuần tới, đơn vị sẽ xin ý kiến lãnh đạo Sở GTVT hướng xử lý những trung tâm đào tạo lái xe tăng học phí nhưng không có báo cáo.

Theo các chuyên gia giao thông, trước đây do phải cạnh tranh nên nhiều trung tâm đào tạo lái xe ô tô đưa ra mức giá từ 3 - 5 triệu đồng trọn gói cho việc đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình học, học viên phải đóng thêm nhiều khoản chi phí khác, dẫn tới chi phí thực để có tấm bằng bị đội lên gấp 2 thậm chí gấp 3 lần. Vì vậy, đã đến lúc cần đưa các chi phí cho việc đào tạo, sát hạch lái xe về giá trị thực của nó.

Quang Toàn

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/tieng-dan/phai-dua-muc-hoc-phi-dao-tao-lai-xe-ve-dung-gia-tri-thuc-tintuc460322

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ