A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xã Hòa Phong (huyện Krông Bông): Nhiều lao động rời địa phương đi làm ăn xa

14:25 | 06/03/2020

Những năm gần đây, do thu nhập từ nông nghiệp bấp bênh nên nhiều lao động ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) rời quê hương đi làm ăn ở các tỉnh khác.

Trong số này có không ít lao động làm ăn khấm khá, cải thiện kinh tế gia đình; song vấn đề này cũng tạo ra nhiều thách thức cho địa phương.

Theo thống kê, xã Hòa Phong hiện có trên 230 lao động đi làm ăn ở các tỉnh khác, chủ yếu là Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh… với công việc như xây dựng dân dụng, may mặc, điện tử…

Ông Bùi Văn Tư (dân tộc Mường, ở buôn Ngô A) trước đây thường đi phụ hồ vào thời gian nông nhàn để có thêm thu nhập. Nhờ chịu khó học hỏi nên sau hơn 8 năm hành nghề, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, thành thạo thi công các công trình đơn giản. Tuy nhiên, để sống được bằng nghề xây dựng ở nông thôn quả không dễ chút nào, bởi vậy sau Tết Nguyên đán 2019 ông quyết định ra Đà Nẵng làm thuê. Ở thành phố lớn, thợ xây được trả mức lương khá cao: 400.000 đồng/ngày đối với thợ chính và 310.000 đồng/ngày đối với thợ phụ. Sau khi trừ chi phí ăn uống, thuê nhà trọ, ông vẫn tích lũy gửi về cho gia đình được 5 triệu đồng/tháng để phụ vợ nuôi con cái và đầu tư chăm sóc 5 sào cà phê.

Anh Vũ Thành Quy trong ngôi nhà mới mua bằng tiền tích lũy từ việc làm nghề xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh

Tương tự, anh Vũ Thành Quy (28 tuổi, ở thôn 5) đi làm phụ hồ ở địa phương nhưng vẫn không thoát được nghèo. Cách đây 3 năm, khi tay nghề đã vững, anh quyết định “ly hương” đi lao động ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng ngoài số tiền gửi về cho cha chữa bệnh, anh Quy còn để dành được 5 triệu đồng. Với số tiền tích lũy, anh vừa mua được một ngôi nhà cấp 4 ở địa phương trị giá 150 triệu đồng. Tết năm nay, gia đình anh đã đón Tết ở ngôi nhà mới tươm tất hơn.

Ở buôn Cư Phiăng, rất nhiều thanh niên khỏe mạnh đã đi làm công nhân ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… Ở nhà lo việc đồng áng chủ yếu là những người trung niên, cao tuổi. Như gia đình ông Ama Sai (dân tộc Êđê), bản thân bị bệnh nặng, vợ ông đảm đang việc chăm sóc 7 sào cà phê và 3 sào ruộng. Đầu năm 2019, con trai ông là Y Thi Byă quyết định theo vợ chồng người anh vào TP. Hồ Chí Minh làm công cho một xưởng gỗ ở Củ Chi. Với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, sau 8 tháng siêng năng làm việc, Y Thi gửi về cho cha được 31 triệu đồng. Với số tiền này, ngoài phần chi phí thuốc men, ông Ama Sai còn mua được một dàn máy công nông để làm phương tiện tưới cà phê và làm đất…

Tuy nhiên, việc nhiều lao động nông thôn đi làm ăn xa cũng gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương. Ông Huỳnh Viết Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong trăn trở: Hiện nay phần lớn số thanh niên khỏe mạnh đều đi làm ăn xa, lao động ở lại chủ yếu là những người cao tuổi và trẻ em. Mặc dù kinh tế của nhiều gia đình được cải thiện nhờ lao động đi làm ăn xa song việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gặp không ít khó khăn; một số phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao không có người tham gia; công tác phát triển Đảng gặp khó do thiếu nguồn…

Ông Ama Sai bên dàn máy công nông mua từ tiền con trai đi làm ăn xa gửi về

Để ổn định nguồn lao động, với phương châm “ly nông bất ly hương” thiết nghĩ địa phương cần tăng cường phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện để người lao động tự tạo việc làm; liên kết với những công ty, doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh thành lập các phân xưởng đối với một số ngành nghề phù hợp với trình độ tay nghề ở địa phương để người lao động có việc làm cải thiện đời sống.

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp ở xa không có địa chỉ rõ ràng, thông qua môi giới lén lút vào các buôn dân tộc thiểu số tuyển dụng chui, tuyển dụng cả trẻ em đang học phổ thông đi làm dẫn đến tỷ lệ trẻ em bỏ học giữa chừng gia tăng. Địa phương phối hợp với các ngành chức năng truy tìm địa chỉ, vận động gia đình kêu gọi con em mình trở về…

Mai Viết Tăng

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3484/202003/xa-hoa-phong-huyen-krong-bong-nhieu-lao-dong-roi-dia-phuong-di-lam-an-xa-5672173/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ