A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khô hạn khốc liệt

09:15 | 23/05/2020

Người dân buôn Niêng 1, xã Ea Nuôi (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, các năm trước đây vào mùa khô cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhưng năm nay hạn hán kéo dài và nắng nóng vô cùng khắc nghiệt,...

... các giếng nước đều cạn kiệt, các hộ dân trong buôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Người dân nơi đây quay quắt vì khô hạn.

Cà phê héo rũ vì hạn.

Dù đã bước qua mùa mưa nhưng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn khô hạn khiến cây trồng, người dân đều khát cháy. Hiện thiệt hại do hạn hán đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tại xã Ea Kuế, huyện Cư M’gar, nhiều diện tích cây cà phê của bà con đứng trước nguy cơ mất trắng do thiếu nước. Điển hình như gia đình anh Y Kốp Kờ-Bua, sau 3 đợt tưới, giếng trong rẫy đã cạn nước. Đến nay hơn 8 sào cà phê của gia đình đã cháy khô. Anh đành phải ngậm ngùi chặt bỏ toàn bộ để nếu có mưa thì canh tác tạm cây trồng ngắn ngày khác.

Ông Bùi Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho hay, giờ đã là đỉnh điểm của hạn hán, diện tích cà phê ở các khu vực xa hồ gặp thiệt hại rất nặng nề. Hầu hết các giếng, suối, hồ không còn đủ khả năng cung cấp nước tưới theo nhu cầu cần thiết.

Không chỉ cây trồng khát nước, người dân Đắk Lắk cũng phải chắt chiu từng giọt nước dùng trong sinh hoạt. Anh Y Zol Êban ở buôn Niêng 1, xã Ea Nuôi, huyện Buôn Đôn cho biết, từ tháng 2/2020 đến nay, tại địa phương không có mưa, dù gia đình có một giếng đào những đã bị khô cạn từ 2 tháng trước. Hàng ngày anh phải dùng máy cày chở theo thùng, can nhựa đi xin nước từ những nhà có giếng khoan.

Theo ông Y Kim Êban, buôn trưởng buôn Niêng 1 (xã Ea Nuôi), các năm trước đây vào mùa khô Tây Nguyên cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nhưng năm nay hạn hán kéo dài và nắng nóng cũng khắc nghiệt hơn rất nhiều, các giếng nước đều cạn kiệt, các hộ dân trong thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôi, huyện Buôn Đôn, cho biết: Hiện toàn xã có gần 1.300 hộ, trong đó có hơn 50% hộ thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải mua nước bình loại 50 lít để nấu ăn, riêng nước sinh hoạt tắm, giặt phải xin từ những hộ gia đình có giếng khoan về để sử dụng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nguồn nước các sông suối và nước ngầm so với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước đang duy trì mức thấp hơn; lượng dòng chảy mặt thiếu hụt khoảng 50 - 70% so với trung bình nhiều năm. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn tỉnh bị cạn kiệt; mực nước ngầm các tháng đầu năm 2020 phổ biến thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, cục bộ một số vùng giảm rất sâu.

Người dân đi xin từng can nước về dùng.

Toàn tỉnh có tổng số 782 công trình thủy lợi, hiện nay mực nước các hồ chứa chủ yếu duy trì ở mức thấp; hồ chứa nhỏ phổ biến cạn kiệt, trong đó có 96 hồ cạn khô hoàn toàn, các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 30 - 50% dung tích thiết kế, nhiều đập dâng, trạm bơm không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm.

Để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán đến đời sống sinh hoạt của người dân, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý, tuyên truyền mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; cấp nước chống hạn theo thứ tự ưu tiên: Nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi, nước tưới cho cây trồng có giá trị cao.

Bên cạnh đó, tuyên truyền đến các hộ dân trong vùng thiếu nước sinh hoạt chủ động chia sẻ nguồn nước để đảm bảo phục vụ sinh hoạt, riêng huyện biên giới Ea Súp đã tổ chức khoan sâu các giếng bị cạn kiệt để khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt; triển khai nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, đảm bảo dẫn nước hiệu quả; đắp đập tạm trên suối, các trục kênh tiêu để giữ nước; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để khai thác nước sông, suối và dung tích chết của hồ chứa; khoan giếng để khai thác nước ngầm; bơm chuyền hoặc xả nước từ những công trình dư thừa nước hỗ trợ cho công trình vùng hạ du không đủ nước.

Cùng với Đắk Lắk thì Gia Lai hiện có khoảng 333,04 ha lúa nước vụ đông xuân 2019-2020 đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng bị thiệt hại do nắng hạn. Trong đó, diện tích thiệt hại từ 70% đến mất trắng trên 306 ha; thiệt hại từ 30-70% trên 26 ha. Chủ yếu tại 3 huyện Đắk Đoa trên 211 ha; Mang Yang trên 56 ha và TP Pleiku trên 65 ha.

Sở NNPTNT Đắk Nông cũng cho biết, nếu từ nay đến cuối vụ thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi thì hạn hán có nguy cơ diễn ra trên toàn tỉnh, có khoảng 58 công trình thủy lợi cạn kiệt nguồn nước, gần 1.200 ha cây trồng trong phạm vi tưới nước công trình thủy lợi và gần 18.000 ha cây trồng ngoài phạm vi tưới nước công trình bị ảnh hưởng.

A.Dương

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/moi-truong/kho-han-khoc-liet-tintuc466891

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ