A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phượng nào có tội!

08:42 | 05/06/2020

Sau vụ cây phượng đổ khiến một học sinh tử vong tại TP. Hồ Chí Minh, ở Đắk Lắk cũng có hai cây phượng bật gốc.

Do vậy, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tiến hành cắt nhánh, tỉa cành, hạ độ cao thậm chí đốn hạ các cây lớn trong trường để đề phòng nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa. Và đối tượng được “đặc biệt quan tâm” dĩ nhiên sẽ là những cây phượng trong sân trường.

Quả thực chẳng có ai ngờ loài cây vốn là biểu tượng về tuổi học trò tràn đầy kỷ niệm, tỏa bóng mát cho thầy trò trong mùa nắng nóng lại có ngày gây thảm họa cho học sinh. Đành rằng, tính mạng con người vẫn là quan trọng nhất, thế nhưng cũng đừng quá cứng nhắc để rồi sau những sự cố vừa rồi lại đổ hết do cây phượng hay nói nó không phù hợp trong trường học và phải chặt bỏ.

Sau vụ cây phượng đổ, nhiều trường học đã đốn hạ loài cây gắn với tuổi học trò không thương tiếc. (Ảnh: Nguồn Internet)

Câu chuyện ở đây là vấn đề “trách nhiệm”. Sẽ là “gánh trách nhiệm” nếu để xảy ra sự cố trong khuôn viên nhà trường. Thế nên cứ sau mỗi lần xảy ra vụ việc thương tâm ở đâu đó là lại diễn ra tình trạng ồ ạt đi xử lý, khắc phục. Và phương án an toàn nhất được nhiều nơi lựa chọn là “chặt tất”. Đó là cách hành xử dễ hiểu, nhưng lỗi nào phải tại cây phượng. Cảnh tượng cây phượng giữa sân trường bị cắt tỉa hết cành chỉ còn trơ thân, có cây thì bị hạ đến tận gốc khiến không ít học trò ngơ ngác, nhiều người cảm thấy xót xa và tự hỏi về "trách nhiệm" đối với cây.

Khách quan mà nói, lâu nay đa phần trường học tập trung nhiều vào giảng dạy, hoạt động trải nghiệm, lo sân chơi, lo nhà vệ sinh… cho học sinh chứ chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc chăm cây xanh trong trường. Chưa kể, với mong muốn nhanh có cây xanh, nhiều nơi còn mua cây đã trưởng thành về trồng nên rễ cây không có đủ thời gian để bén sâu. Cùng với đó là việc tận dụng tối đa diện tích sân trường làm sân chơi cho học sinh nên nền bê tông hầu như phủ kín đến gần gốc cây. Rễ bén cạn, mưa nắng thất thường, không gian và điều kiện tự nhiên để cây phát triển tươi tốt không có, chăm cây không thường xuyên… Vậy nên mỗi khi “trái gió trở trời”, nhất là gặp những trận gió lớn đầu mùa mưa, cây xanh trong sân trường có thể gây ra hậu quả khó lường.

Thay vì đốn hạ, các trường học nên tiến hành kiểm tra, đánh giá cây xanh trong khuôn viên trường để có biện pháp chống đỡ nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. (Ảnh: Nguồn Internet)

Các mảng xanh trong trường học, đặc biệt tại thành phố lớn, góp phần khích lệ và duy trì tương tác của học sinh với thiên nhiên, tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, khích lệ tính sáng tạo và tư duy tích cực của các em. Chưa kể cây phượng là một trong những loại cây có tán rộng, hoa đẹp, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm của tuổi học trò và vì thế người ta gắn cho nó tên gọi "hoa học trò". Thế nên thay vì “chặt tất” cho an toàn, nên chăng các trường tăng cường việc thường xuyên kiểm tra, rà soát và có phương án trồng, chăm sóc cây một cách bài bản hơn. Bởi nếu không có sự quan tâm đúng mức, hệ thống cây xanh chứ không riêng gì cây phượng sẽ có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh của trường.

Giang Nam

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3541/202006/phuong-nao-co-toi-5685269/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ